Hà Nội sẽ triển khai xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030?
Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía bắc.
Hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027
Theo Báo cáo 15 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, TP. Hà Nội cho biết, hiện nay đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Thành phố sẽ thực hiện đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ; hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027; đặt mục tiêu xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Trong thời gian tới, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trên cao và đường sắt đô thị.
Theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt năm 2014, đường Vành đai 5 dài khoảng 331km (không bao gồm 41km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3); đi qua 36 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài 48km, qua Hòa Bình hơn 35km; qua Hà Nam hơn 35km; qua Thái Bình hơn 28km; qua Hải Dương gần 53km; qua Bắc Giang khoảng 50km; qua Thái Nguyên gần 29km, qua Vĩnh Phúc hơn 51km.
Đường có quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên. Nhu cầu vốn đầu tư Vành đai 5 - vùng Thủ đô khoảng 85.560 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013).
Tại văn bản trả lời cử tri tỉnh Bắc Giang mới đây, Bộ GTVT cho biết, tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài khoảng 50km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Bộ GTVT đánh giá việc sớm đầu tư đưa vào khai thác đường Vành đai 5 nói chung là cần thiết để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư đường Vành đai 5 nói chung trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương (Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên) đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên đường vành đai.
Hà Nội sẽ triển khai xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030?
Trước đó, tháng 5/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 2/2/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thủ đô; xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU theo lộ trình phù hợp; đồng thời, có các giải pháp tổ chức triển khai khoa học, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Các chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô gồm 26 chỉ tiêu: 7 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.
Đáng chú ý, về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo nguyên tắc chỉ đưa vào vấn đề đặc thù vượt trội hoặc chưa có trong các luật khác.
Thành phố cũng nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực sát với thực tiễn và đặc thù của Thủ đô, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế khuyến khích cho phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; tham mưu UBND thành phố tiếp tục kiến nghị với trung ương về việc giao Hà Nội quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Sở Công thương xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp-tập trung.
Thành phố sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, sử dụng tiết kiệm đất đai và tài nguyên.
Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% vào năm 2025.
Thành phố đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía bắc.
Hồng Quang