Hà Nội: Đông Anh phát triển lên quận
Mới đây báo cáo kết quả đề án thành lập quận và các phường thuộc quận Đông Anh; ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: Đến nay các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của huyện cơ bản đã hoàn thành những tiêu chí lên quận Đông Anh.
Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây ra thông báo một số nội dung thực hiện Đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận Đông Anh và các phường. Theo đó, Thường trực Thành ủy đã thống nhất về chủ trương và kết quả thực hiện Đề án, tập trung cao độ và ưu tiên đầu tư, quy hoạch để phấn đấu đưa huyện Đông Anh thành quận vào cuối năm 2023.
Bước đà lên quận từ Nông thôn mới nâng cao
Theo các tư liệu, huyện Đông Anh được sáp nhập về Hà Nội từ năm 1961 với diện tích hơn 18.000ha, phần lớn là đất nông nghiệp. Là vùng đất ven đô giàu truyền thống lịch sử văn hóa, huyện Đông Anh đang dần trở thành quận mới của Thủ đô, có diện mạo đô thị hiện đại với các trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ giao thương tầm cỡ quốc tế và đóng vai trò động lực phát triển khu vực phía bắc Thủ đô. Năm 2023, cùng với mục tiêu phấn đấu hoàn thành đề án đưa huyện Đông Anh lên quận, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo huyện Đông Anh tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, Đông Anh đã đạt 6/9 tiêu chí cụ thể bao gồm: Quy hoạch, Giao thông, Thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện chất lượng môi trường sống, An ninh trật tự - Hành chính công. Còn 3 tiêu chí tiếp tục thực hiện đạt: Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Kinh tế và Môi trường.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Linh – Chủ tịch UBND huyện Đông Anh khẳng định, huyện đã đủ điều kiện thành quận, các xã, thị trấn thành phường. Năm 2023, Đông Anh tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị. Huyện sẽ mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm Nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn... Đông Anh phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm, sau 4 năm triển khai, huyện đã có 172 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó có 122 sản phẩm thuộc nhóm rau củ quả thực phẩm; 03 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm đồ uống; 47 sản phẩm thuộc nhóm đồ thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, Đông Anh có 01 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, 59 sản phẩm được công nhận 4 sao, 113 sản phẩm được công nhận 3 sao.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu là quá trình lâu dài. Chính vì vậy, việc không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí là yêu cầu đặt ra. Huyện đã chỉ đạo 23 xã triển khai quy hoạch các điểm dân cư theo hướng đô thị, sớm hoàn thành đồ án quy hoạch Nông thôn mới giai đoạn 2. Đây sẽ là tiền đề thực hiện mục tiêu xây dựng xã thành phường, Đông Anh trở thành quận.
Diện mạo quận đô thị hiện đại
Từ đầu tháng 7/2023, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường trên cơ sở nguyên trạng 185,68km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người của huyện Đông Anh hiện có.
Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trong đó có 2 tuyến đường sắt chạy qua là các tuyến nối trung tâm Thành phố Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai; đặc biệt địa bàn huyện cách sân bay Quốc tế Nội Bài 13km - cửa ngõ thông thương với quốc tế đã tạo cho Đông Anh nhiều lợi thể phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội…
Về địa giới hành chính, phía Đông quận giáp thành phố Từ Sơn và huyện Yên Phong, Bắc Ninh, phía Tây giáp các huyện Mê Linh, Đan Phượng; phía Nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ.
Ngoài việc thành lập quận Đông Anh, Thành phố Hà Nội cũng đang triển khai lập Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để trình Chính phủ phê duyệt.
Theo tờ trình của Thành phố Hà Nội, đến nay huyện Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường (hạ tầng xã hội; kỹ thuật đô thị; vệ sinh môi trường; kiến trúc cảnh quan). Những năm gần đây, huyện Đông Anh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý.
Trong quá trình xây dựng huyện thành quận, UBND huyện Đông Anh đã và đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thực chất và bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân; tiếp tục phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng vốn có về vị trí địa lý, là đầu mối giao thông quan trọng với các tuyến đường giao thông huyết mạch, có tính kết nối vùng để tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ gắn với khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương…