Hà Nam cải thiện thứ hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh và chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2024
Theo ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh này tăng 10 bậc so với năm 2022, xếp thứ 36/63 tỉnh thành trong cả nước.
Chỉ số Xanh (PGI) của Hà Nam có bước đột phá về thứ hạng, xếp thứ 9/63 tỉnh thành. Các chỉ số thành phần PGI đều tăng điểm so với năm 2022, cụ thể: Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai tăng 4,07 điểm; chỉ số bảo đảm tuân thủ tăng 0,93 điểm; chỉ số thúc đẩy thực hành xanh tăng 0,44 điểm. Với kết quả đó, Hà Nam được đánh giá là một trong những địa phương có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước. Đây chính là nguồn lực quan trọng để tỉnh này tiếp tục có những đột phá trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, hướng tới nền kinh tế xanh ổn định và bền vững.
Năm 2023, những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh này đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Nhiều doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh này ước tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2023. Tính từ đầu năm đến ngày 30/4/2024, Hà Nam thu hút được 23 dự án đầu tư vào địa bàn, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thực hiện cấp mới 8 dự án đầu tư nước ngoài FDI với tổng số vốn đăng ký 55,8 triệu USD; cấp mới 15 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 1.945 tỷ đồng.
Năm 2024, tỉnh này phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 219.4 tỷ đồng (tăng 12,5% so với năm 2023). Để đạt được mục tiêu, Hà Nam đang có nhiều ưu đãi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. UBND tỉnh đề nghị đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ theo yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhất là doanh nghiệp ngành điện, điện tử, cơ khí lắp ráp.
Với quan điểm thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Hà Nam tập trung kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh phù hợp với định hướng của tỉnh. Đến thời điểm này, các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, cơ bản từng bước đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Các dịch vụ điện, nước bảo đảm ổn định, việc thu gom nước mưa và nước thải của các doanh nghiệp thứ cấp cơ bản triệt để.
Hiện nay, 8 KCN của tỉnh đều có trạm xử lý nước thải tập trung vận hành xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường; hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động có tổng công suất xử lý 18.400m3/ngày đêm.
Để cải thiện thứ hạng chỉ số PCI và chỉ số PGI năm 2024, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm, đầy đủ các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bổ sung các cơ chế chung của tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các dự án lớn.
Sông Hồng