Gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng với lâm sản, thủy sản chính thức được triển khai
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến Lâm sản và Thủy sản.
Chiều 19.7, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng triển khai gói tín dụng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản trị giá 15 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, từ nay đến hết 30/06/2024, các khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Ngân hàng Nhà nước giao các nhà băng, theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Được biết gói tín dụng có quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, cao hơn dự kiến ban đầu là 10.000 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.
Đến nay, đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình này gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB.
Bên cạnh đó, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra giá trị sản phẩm cho đất nước, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên cần sự ưu đãi và cơ chế, chính sách. Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM Nhà nước hay NHTM cổ phần đều phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, cần có những chính sách khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp hai ngành nghề này để giữ vững được thị trường, thị phần, không để cho doanh nghiệp không đủ vốn sản xuất và bị phá sản.
"Các NHTM cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho doanh nghiệp, không nên cắt giảm. Nếu trường hợp thiếu hạn mức tín dụng đối với hai lĩnh vực này, tổ chức tín dụng báo lại NHNN để có điều chỉnh", lãnh đạo NHNN cho biết.
Tiến Hoàng