0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 03/07/2023 10:35 (GMT+7)

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cụ thể hóa dự báo đạt 618 tỷ USD năm 2030

Theo dõi KT&TD trên

Các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, Việt Nam là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Vậy, Việt Nam cần làm gì để cụ thể hóa những dự báo này.

Năm 2030, xuất khẩu sẽ đạt 618 tỷ USD

Mới đây, trong báo cáo nghiên cứu: “Tương lai của thương mại: Những cơ hội mới cho các hành lang tăng trưởng cao”, do Standard Chartered công bố, tổng kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 32.600 tỷ USD, với mức tăng trưởng 5%. Các hành lang thương mại kết nối với châu Á, châu Phi và Trung Đông sẽ vượt tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu khoảng 4%, thúc đẩy tổng kim ngạch thương mại ở các khu vực này lên 14.400 tỷ USD chiếm 44% thương mại toàn cầu vào năm 2030.

Theo báo cáo này, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5%.

Cụ thể, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, bà Michele Wee cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu. So với báo cáo do Standard Chartered phát hành năm 2021, tổ chức này dự kiến xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 535 tỷ USD vào năm 2030, thì chỉ sau 2 năm, mức dự báo đã tăng thêm 83 tỷ USD.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cụ thể hóa dự báo đạt 618 tỷ USD năm 2030
Xuất khẩu Việt Nam có thể đạt 618 tỷ USD vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Ở chiều nhập khẩu, Standard Chartered ước đoán, tới năm 2030, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm. Như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn tiếp tục thặng dư, nhưng chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ vẫn là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong những năm tới. Ba thị trường này đã nhập khẩu từ Việt Nam 171 tỷ USD trong năm 2022. Bên cạnh đó, thương mại với Ấn Độ, Singapore và Indonesia được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2030.

Theo Standard Chartered, với hoạt động thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, Việt Nam nổi lên là địa điểm sản xuất quan trọng, thu hút vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Các lĩnh vực máy móc và thiết bị điện, dệt may, điện tử… sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu.

Bà Michele Wee đánh giá, nhu cầu ngày một gia tăng của thế giới đối với các sản phẩm điện tử, hoạt động đầu tư và các sáng kiến về phát triển bền vững sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Giải pháp nào thúc đẩy xuất khẩu?

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2023 đạt hơn 287,9 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% và nhập khẩu đạt 139,07 tỷ USD, giảm 18,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,8 tỷ USD.

Trong khó khăn chung, bức tranh xuất khẩu vẫn đang có nhiều điểm sáng. Cập nhật mới nhất của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN đã tăng 2 lần liên tiếp trong tuần này, đến ngày 23.6 đạt mốc cao nhất lịch sử là 508 USD/tấn. Đáng chú ý, mức giá này đang cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 5 USD, Pakistan 30 USD và Ấn Độ đến 50 USD. Nếu so với hồi đầu năm, giá gạo 5% tấm của VN đã tăng hơn 30 USD/tấn. Giá gạo liên tục tăng cao kể từ đầu năm đến nay, nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu cao từ các nước nhập khẩu. Với hiện tượng thời tiết El Nino đang diễn ra, các nhà xuất khẩu tin tưởng giá gạo của VN tiếp tục duy trì mức cao và xuất khẩu thuận lợi.

Mặt hàng rau quả xuất khẩu cũng đang có nhiều khởi sắc, đặc biệt là sầu riêng. Vì ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu và chỉ mới qua 5 tháng mà mặt hàng này đã đạt giá trị tới 503 triệu USD. Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 5, mặt hàng sầu riêng xuất khẩu đạt kim ngạch tới 332 triệu USD. Sự tăng trưởng đột phá của sầu riêng đã nâng giá trị xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5 đạt 656 triệu USD, tăng 67,7% so với tháng trước.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt tới hơn 2 tỉ USD - đây là giá trị xuất khẩu trong 5 tháng cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 43% so với cùng kỳ năm trước.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cụ thể hóa dự báo đạt 618 tỷ USD năm 2030
Mặt hàng rau quả xuất khẩu đang có nhiều khởi sắc, đặc biệt là sầu riêng.

Với mặt hàng thuỷ sản, tháng 5, xuất khẩu cả ngành đã đạt tới 808 triệu USD, là con số cao nhất tính theo từng tháng kể từ đầu năm. Đáng chú ý, các mặt hàng chủ lực đã hạ dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy dấu hiệu hồi phục đang quay trở lại với ngành này. Các doanh nghiệp đã chủ động vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng cá khô, cá đóng hộp cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường mới, giàu tiềm năng.

Đánh giá về triển vọng ngành thuỷ sản, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, triển vọng ngành thuỷ sản trong năm 2023 vẫn khá khả quan, dù còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp vẫn có thể tìm kiếm cơ hội nếu tái cấu trúc, đa dạng hoá sản phẩm và thị trường xuất khẩu.

Thuỷ sản, rau quả, gạo… đều là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao ở các thị trường trên thế giới. Do đó, đây được đánh giá tiếp tục là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam từ nay đến cuối năm.

Riêng với mặt hàng dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, sau thời gian dài im ắng, gần đây số lượng các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước, đặc biệt đối với phân khúc thời trang công sở. Do đó, kỳ vọng lượng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tăng so với đầu năm.

Năm 2022, riêng ngành điện tử đã đóng góp kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỷ USD trong tổng kim ngạch 371,3 tỷ USD của toàn nền kinh tế. Với các chính sách ưu đãi đầu tư, các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư trong ngành này là cơ sở để kim ngạch xuất khẩu còn tăng trưởng ấn tượng.

Nghiên cứu “Tương lai của thương mại: Những cơ hội mới cho các hành lang tăng trưởng cao” của Standard Chartered mở ra những kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hoá nước ta thời gian tới, nhất là trong bối cảnh xuất nhập khẩu trong gần nửa đầu năm 2023 đã và đang gặp phải nhiều khó khăn.

Động thái tích cực là Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có chuyến thăm tới Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6, tháp tùng là các tập đoàn hàng đầu gồm: Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte. Cả 5 tập đoàn này đều đã đầu tư một lượng vốn lớn vào Việt Nam và đang chuẩn bị mở rộng đầu tư, trong đó, riêng Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD (2 tỷ USD đã đầu tư vào các dự án tại Thái Nguyên và TP.HCM). Dự kiến cuối năm nay, Samsung sẽ đưa vào sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn ở nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.

Đánh giá về tác động của các FTA tới xuất khẩu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: “Loạt FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã trải qua quá trình thực thi bước đầu, doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn những ưu đãi mang lại. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thích ứng nhanh, linh hoạt trong đa dạng hóa thị trường”. Chính những yếu tố trên đã tạo niềm tin để có thể lạc quan về triển vọng tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong tương lai.

Nhằm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, việc đa dạng hóa thị trường thể hiện qua việc chúng ta đã đàm phán và ký kết các FTA. Hiện nay chúng ta đang có 15 FTA đã ký và đang được thực hiện. Bên cạnh đó, FTA với Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Bộ Công Thương cũng đang xem xét triển khai các FTA mới như FTA với UAE. Đây là quốc gia có hoạt động thương mại rất sôi động ở khu vực Trung Đông và hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ để ta đưa hàng hóa vào Trung Đông và châu Phi. Hoặc đàm phán ký kết FTA với khu vực Mercosur bao gồm 6 quốc gia tại Nam Mỹ để mở rộng thị trường sang Brazil, Mexico.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cụ thể hóa dự báo đạt 618 tỷ USD năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.