Giải pháp gỡ vướng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
NHNN đang sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân theo hướng ưu đãi hơn. Bởi, sau hơn 1 năm triển khai, gói này chỉ mới giải ngân chưa tới 1%, khoảng 1.144 tỉ đồng.
Theo Thống kê mới nhất từ NHNN cho thấy, đến nay mới có 30/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 72 dự án. Các Ngân hàng Thương mại đã giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng bao gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.
Kể từ khi triển khai Chương trình đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh lãi suất cho vay Chương trình này theo hướng giảm dần đối với chủ đầu tư và người mua nhà lần lượt từ mức 8,5%/năm và 8%/năm (từ 1/4/2023) xuống còn 8,2%/năm và 7,7%/năm (từ 01/07/2023). Kể từ 01/01/2024, lãi suất cho vay tiếp tục giảm xuống 8%/năm và 7,5%/năm. Về thủ tục vay vốn, chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các NHTM, các nhà băng đã đơn giản hóa thủ tục và các điều kiện thuận lợi, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận chương trình. Các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi công khai tới các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn.
Vốn ngân hàng sẵn sàng nhưng kết quả giải ngân vẫn khiêm tốn xuất phát từ nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, qua báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thì có một số địa phương chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Chương trình, mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị. Ngoài ra, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác).
Theo ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình, nhưng mức lãi suất cho chủ đầu tư, người mua nhà vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Những thách thức này chính là lý do khiến kết quả phát triển nhà ở xã hội dù đã tích cực hơn nhưng vẫn còn khiêm tốn tại một số địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đánh giá mức lãi suất gói 120.000 tỷ đồng vẫn cao trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp cũng như người mua nhà lựa chọn vay vốn.
Do đó, “Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị NHNN chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ phù hợp tình hình thực tiễn” - Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết.
Thực tế, dù được trả góp với lãi suất ưu đãi thì với thu nhập của người dân hiện nay, khó có thể đáp ứng được điều kiện mua nhà ở xã hội. Thời gian qua cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất vay của gói 120.000 tỷ đồng còn ở mức khá cao so với người mua nhà, nhưng giới chuyên môn khẳng định, dù lãi suất giảm về 0% thì người dân có mức thu nhập dưới ngưỡng chịu thuế cũng không thể mua. Chính vì vậy, một hướng đi nữa cho nhà ở xã hội là bên cạnh nhà để bán, phải chú trọng phát triển cả hình thức nhà cho thuê.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mô hình nhà ở xã hội cho thuê sẽ đáp ứng mục tiêu lâu dài của các đô thị cũng như nhu cầu thuê nhà của người lao động trong các khu công nghiệp, bảo đảm tính ưu việt của chính sách, tăng hiệu quả sử dụng đất. Trong cơ cấu của 1 triệu căn hộ được Chính phủ xác định là mục tiêu của giai đoạn 2021-2030, cần xác định tỷ lệ quỹ nhà để cho thuê và nhà để bán. Tỷ lệ này được tính toán trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; điều tra, khảo sát về nhu cầu, thu nhập, khả năng chi trả thực tế của đối tượng. Khi xác định được hướng triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội hiệu quả, thì các yếu tố khác hỗ trợ cho Đề án như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới có thể phát huy vai trò của mình.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng gói tín dụng này "chưa phù hợp với người dân". Bởi, nếu người mua nhà ở xã hội chỉ vay ưu đãi lãi suất không quá 5 năm sau đó thả nổi theo thị trường là quá ngắn, điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua nhà ở xã hội khiến họ ngại vay.
Hơn nữa, mức lãi suất sau khi giảm vẫn ở mức 7,5% là quá cao, trong khi đó đối tượng mua nhà ở xã hội cần vay vốn là người có thu nhập thấp. Với lãi suất như vậy sẽ khiến họ sẽ không gồng gánh được với khoản vay của mình.
Ông Châu dẫn chứng, một căn nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng khi thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng, được vay 80% là 800 triệu đồng. Với lãi suất 7,5%/năm thì người mua nhà phải trả khoảng 5 triệu/tháng chưa tính phần tiền gốc. Do đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị lãi suất nên cố định trong khoảng 5 - 6%/năm và kéo dài thời gian vay từ 10 - 15 năm.
Bên cạnh đó, theo ông Châu, Bộ Xây dựng nên khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu 1 triệu căn nhà xã hội đến năm 2030. Với gói tín dụng này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8 -5%/năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.
Tiến Hoàng