Giá xăng dầu xuống mức thấp nhất 4 năm, có tiếp tục lao dốc?
Nếu tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc không có chuyển biến tích cực, giá xăng dầu trong nước còn giảm mạnh, về dưới mức 18.000 đồng/lít trong ngắn hạn.
Giá xăng xuống mức thấp nhất 4 năm qua
Kỳ điều hành gần nhất, ngày 10/4, giá xăng dầu trong nước xuống mức thấp nhất 4 năm qua (tháng 5/2021).
Cụ thể, xăng RON 95 giảm 1.712 đồng/lít, về 19.207 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 1.491 đồng/lít, còn 18.882 đồng/lít.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 (chiếm 70% tổng sản lượng xăng tiêu thụ) tăng 7 lần, giảm 7 lần. Đặc biệt, từ tháng 3, giá xăng liên tiếp giảm, duy trì quanh ngưỡng 19.000-20.000 đồng/lít.
Bộ Công thương nhận định, diễn biến giá xăng dầu trong nước là do thị trường xăng dầu thế giới gần đây chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như: Mỹ công bố mức thuế cao đối với hàng hóa của hàng loạt các đối tác thương mại, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng, xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn… Các yếu tố trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua giảm mạnh.
Việc giá dầu giảm sâu giúp một số ngành sản xuất hưởng lợi. Cùng hưởng lợi còn có một số ngành có chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá vốn, như các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh nhựa đường, doanh nghiệp hóa chất và phân bón...
Hưởng lợi gián tiếp cũng khiến cho các ngành xi măng, thép ô tô, phụ tùng, thực phẩm... tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm chi phí vận chuyển.
Song, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lại đối diện thiệt hại lớn, vì là đơn vị tạo nguồn, lưu trữ xăng dầu.
Với mức giảm giá bình quân các mặt hàng xăng dầu kỳ gần nhất là 1.460 đồng/lít và số ngày tồn kho dự trữ lưu thông theo quy định là 20 ngày, Petrolimex - đầu mối lớn nhất cả nước, ước lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Các nhà máy lọc dầu cũng chịu tác động nặng nề. Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận quý I/2025 sụt giảm ở mức hai chữ số.

Giá có tiếp tục giảm?
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho hay, tuần trước, trong 6 phiên giao dịch gần nhất thì có đến 5 phiên giá dầu thế giới giảm.
Ông nhận định, nếu tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc không có chuyển biến mới tích cực thì giá dầu Brent có thể xuống ngưỡng 60 USD/thùng; giá dầu WTI về gần mốc 50 USD/thùng trong tuần này.
"Nếu hai bên tiếp tục nâng cao hàng rào thuế quan thì nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao, ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu thụ", ông Quang nói.
Tuy nhiên, nếu Mỹ và Trung Quốc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, kết hợp với các dấu hiệu hạ nhiệt từ các đối tác khác, giá dầu có thể hồi phục tạm thời về khoảng 70 USD/thùng như trong tháng 3.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tuần này đã giảm mạnh dự báo giá dầu thô của Mỹ trong năm 2025, từ 70,68 USD/thùng xuống còn 63,88 USD/thùng. Đồng thời, EIA cũng hạ dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay từ 1,3 triệu thùng/ngày xuống còn 900.000 thùng/ngày.
Giá dầu thô tiêu chuẩn của Mỹ đã giảm gần 14% chỉ trong nửa đầu tháng này, xuống dưới mức hòa vốn của nhiều nhà khai thác tại Texas. Một số chuyên gia dự báo, trong ngắn hạn, giá xăng trong nước có thể về dưới mức 18.000 đồng/lít.