Giá vàng đắt nhất lịch sử: Thị trường nhiều ẩn số, cẩn trọng khi đầu cơ
Cùng với triển vọng tăng giá của vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần qua cũng đã có nhiều phiên bật tăng và chinh phục mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, người mua vẫn phải đối mặt với rủi ro trong một thị trường vàng còn nhiều "ẩn số".
Giá vàng liên tục lập kỷ lục mới
Trong tuần qua, cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn trong nước đã có nhiều pha “phá đỉnh”, chạm mốc cao nhất từ trước đến nay. Từ ngày 9/9 – 15/9, giá vàng nhẫn đã tăng 750 nghìn – 1,3 triệu đồng/lượng, lên mức 77,8 - 79,1 triệu đồng/lượng.
Trái lại, thị trường vàng miếng không có nhiều thông tin nổi bật dù giá vàng nhẫn và giá vàng thế giới không ngừng tăng. Giá vàng miếng SJC lại tiếp tục đứng yên hơn, kéo dài chuỗi 10 ngày được niêm yết ở mức 78,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 80,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Tại thị trường thế giới, tuần qua, giá vàng thế giới liên tục có những pha tăng nóng và vượt mức kỷ lục 2.600 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Theo các chuyên gia của Kitco News, giá vàng đang được hỗ trợ mạnh mẽ từ làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và sự hụt hơi của đồng bạc xanh trên thị trường ngoại hối.
Goldman Sachs Research nhận định, giá vàng đã tăng vọt lên mức cao mới trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng vào đầu năm 2025 với mức giá chưa từng có.
Theo dự báo của Goldman Sachs Research, giá vàng sẽ đạt đỉnh ở mức kỷ lục 2.700 USD/ounce vào đầu năm sau, được hỗ trợ bởi việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi. Giá của kim loại quý này có thể được thúc đẩy thêm nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính mới hoặc lo ngại về gánh nặng nợ của Mỹ gia tăng.
Giám đốc bộ phận hàng hóa khu vực Bắc Mỹ tại Citi Research, Aakash Doshi cũng dự báo giá vàng có thể chạm mốc 2.600 USD vào cuối năm 2024 và 3.000 USD/ounce vào giữa năm 2025. Theo chuyên gia này, yếu tố hỗ trợ giá vàng leo đỉnh gồm có việc Fed cắt giảm lãi suất, nhu cầu mạnh mẽ từ các quỹ ETF và giao dịch vàng vật chất ngoài sàn.
Có nên xuống tiền khi vàng tăng?
Nhận định về thị trường vàng trong nước, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước vẫn có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2024 khi giá vàng thế giới tăng mạnh. Giá vàng SJC được dự báo có thể chạm mốc 90 triệu đồng/lượng vào cuối năm nay. Về vàng nhẫn, dù đã thiết lập mức giá cao nhất từ trước đến nay nhưng vàng nhẫn vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng giá.
Mặc dù có triển vọng tăng giá nhưng nhà đầu tư cũng được cảnh báo cần cẩn trọng khi thị trường vàng trong nước vẫn đang còn nhiều “ẩn số”.
Một trong những “ẩn số” được nhắc đến đó là việc NHNN có thể dừng bán vàng giá bình ổn và sửa đổi trong Nghị định 24. Mới đây, NHNN cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Sự thay đổi trong quản lý và kiểm soát thị trường có thể tác động trực tiếp lên cung – cầu vàng trong nước, từ đó dẫn đến biến động giá vàng.
Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, người mua vàng đã chịu rủi ro ngay khi xuống tiền. Theo ông, khi mua vàng, người mua đã chịu ngay mức lỗ vài triệu đồng/lượng do chênh lệch mua vào - bán ra. Lấy ví dụ dẫn chứng, nếu mua vàng nhẫn với giá 78,45 triệu đồng/lượng trong phiên ngày 9/9 thì đến phiên cuối tuần, nhà đầu tư đã lỗ 650.000 đồng/lượng.
“Tiền mua vàng được xem là tiền chết vì tài sản này không sinh lời. Nhà đầu tư chỉ chờ đợi giá tăng lên để có lãi, nhưng xét về xác suất đầu tư ngắn hạn và trung hạn, để có lãi cao hơn tiền gửi ngân hàng là không nhiều. Nếu nhà đầu tư chấp nhận giữ vàng dài hạn từ 3 năm trở lên thì có thể xem xét”, ông nói.
Khánh Tú