Giá vàng biến động có nên đầu tư vào lúc này?
Vàng thường được coi là một tài sản an toàn trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, với sự biến động gần đây của giá vàng, liệu bây giờ có phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào vàng hay không.
Theo đó, giá vàng miếng SJC theo công bố của Ngân hàng Nhà nước ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Tại các ngân hàng thương mại và công ty SJC, giá vàng miếng duy trì ở ngưỡng 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá vàng miếng SJC đã duy trì ở mức này 15 phiên liên tiếp.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, cũng là vàng 999.9, giá vàng miếng Kim Bảo ở mức 73,95 – 75,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn giao dịch ở mức 74,66 – 75,96 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), hạ khoảng hơn 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra.
Tính ở mức đóng cửa của giá vàng thế giới giao ngay phiên ngày hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước 4,68 triệu đồng/lượng. Tỷ giá đồng USD của ngân hàng Vietcombank hiện đang được niêm yết ở mức 25.225 – 25.475 nghìn đồng/USD.
Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn ra thị trường thông qua Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh từ ngày 3/6 đến nay đã kéo chênh lệch giữa vàng miếng SJC và thế giới xuống khoảng 4 triệu đồng, từ mức gần 20 triệu đồng thời gian trước.
Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đánh giá các biện pháp can thiệp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đã mang lại hiệu quả, thu hẹp được chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cũng thừa nhận nếu Ngân hàng Nhà nước không can thiệp thị trường vàng, để giá chênh cao sẽ tác động tiêu cực như buôn lậu, trốn thuế, mất cân đối cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá và vĩ mô.
Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong việc bình ổn tâm lý thị trường đồng thời đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới.
Thay vì bán trực tiếp, cả 5 đơn vị bán vàng bình ổn đều đã chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến, khi những thách thức mới đã xuất hiện. Đó là việc lượng người mua quá đông hoặc không thể mua; thậm chí có hiện tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế; nhiều người không mua được vàng dẫn đến tạo tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường.
Ngoài việc chuyển sang hình thức online, các ngân hàng hiện cũng giới hạn lượt đăng ký mua vàng miếng là 1 lượng mỗi người, so với việc không có hạn mức trong những ngày đầu mở bán.
Theo các chuyên gia tài chính - kinh tế, người dân nên thận trọng khi mua vàng và không đăng thông tin tác động tâm lý chạy đua mua vàng để tránh rủi ro cho người dân và mục tiêu chính sách. TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng khuyến cáo người dân thận trọng vì chỉ một động thái ngưng mua vàng dự trữ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, thì giá vàng quốc tế đã mất từ 80 đến 100 USD/ounce mỗi đêm, chưa kể nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu khác.
Theo TS. Phước, hơn 12 năm qua, Nghị định 24/2012/NĐ-CP có đóng góp quan trọng làm thay đổi thói quen của người dân. Theo đó, vàng không còn là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ tài sản nữa. Thời gian sắp tới, việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường vàng quyết định. Tuy nhiên, với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Theo TS. Phước, hơn 12 năm qua, Nghị định 24/2012/NĐ-CP có đóng góp quan trọng làm thay đổi thói quen của người dân. Theo đó, vàng không còn là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ tài sản nữa. Thời gian sắp tới, việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường vàng quyết định. Tuy nhiên, với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng.
Khác với các tài sản khác, giá của vàng bị chi phối bởi yếu tố tâm lý hơn là các yếu tố cơ bản. Nếu như giá cổ phiếu có thể dao động vì nhiều lý do trong một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng thì các yếu tố cơ bản mới quyết định.
Trong dài hạn, sự thành công của một doanh nghiệp sẽ được xác định bởi các yếu tố cơ bản như lợi nhuận, lợi tức trên vốn đầu tư. Trong khi đó, vàng không thể có được điều này. Bởi vàng không có lãi suất hay cổ tức hoặc tạo ra lợi nhuận, giá của nó chỉ được xác định bởi tâm lý của nhà đầu tư. Nếu nó được ưa chuộng, giá tăng, nếu không được ưa chuộng, giá giảm.
Một yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng là cung và cầu, cũng như hành vi của nhà đầu tư. Khi thị trường trở nên hỗn loạn và lãi suất tăng, các nhà đầu tư thận trọng thường tìm đến vàng như là tài sản trú ẩn được ưa chuộng nhất, điều này đã đẩy giá vàng lên cao. Mặc dù có thể đoán được xu hướng của giá vàng trong ngắn hạn, nhưng điều này là đầu cơ chứ không phải là đầu tư. Nếu nhìn vào thực tế lịch sử việc đầu tư các tài sản tài chính khác trên các thị trường toàn cầu có thể thấy rằng việc đầu tư dựa trên các yếu tố cơ bản có xu hướng mang lại lợi nhuận cao hơn so với nắm giữ vàng.
Nếu như các sản phẩm tài chính khác có thể tạo ra các khoản thu nhập ổn định thông qua lãi suất, cổ tức - có thể dùng tái đầu tư hoặc rút ra để chi tiêu, việc đầu tư vào vàng vật chất hay các quỹ ETF vàng thì vàng chỉ được lưu giữ và không mang lại thu nhập. Người đầu tư vàng chỉ kỳ vọng có lợi nhuận khi người khác chấp nhận mua lại cao hơn với giá họ đã mua.
Ngoài ra, đầu tư vào vàng có nghĩa là tiền của bạn bị ràng buộc vào một tài sản không sinh lợi. Vàng không phát triển hoặc thay đổi; một lượng vàng hôm nay vẫn sẽ là một lượng vàng trong năm, mười năm nữa. Trong khi đó những khoản tiền để mua vàng đó có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn nếu được đầu tư vào các lĩnh vực khác. Đây chính là vấn đề kinh điển của chi phí cơ hội.
Việc đầu tư vàng cũng đi kèm các chi phí như mua bảo hiểm, thuê két an toàn. Những chi phí này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng đầu tư vàng. Mặc dù vàng là một tài sản có thanh khoản tương đối tốt, tùy thuộc vào hình thức mà nó được sở hữu. Vàng thường có thể được dễ dàng bán lại cho người bán ban đầu. Tuy nhiên, giá mua lại thông thường sẽ thấp hơn đáng kể so với giá bán ra, đồng nghĩa với việc người đầu tư hay sở hữu vàng luôn có nguy cơ thiệt hại nếu giá vàng không tăng đủ để bù đắp chênh lệch mua – bán.
Tiến Hoàng