Giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc top rẻ nhất thế giới
Tăng thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng nhất giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thuế thuốc lá vẫn đang ở mức thấp dù đã qua nhiều lần điều chỉnh.
Tăng thuế để giảm tiêu thụ thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những tổn thất do sử dụng thuốc lá gây ra cho toàn cầu lên tới 1.400 tỷ USD/năm, tương đương với 1,7% GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng chi phí để điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 1% GDP, tương đương với 3 tỷ USD (khoảng 67.000 tỷ đồng).
Bên cạnh việc gây hại cho sức khỏe, thuốc lá còn là nguyên nhân dẫn đến giảm ngân sách hộ gia đình, tăng nghèo, hủy hoại môi trường, gây hỏa hoạn…
Theo WHO, tăng thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng nhất giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Cụ thể, nếu tăng thuế để giá bán thuốc lá tăng 10% thì lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm khoảng 4 – 5%. Ngoài ra, tỷ lệ thuế theo giá bán lẻ nên ở mức 70 – 75%.
Khi so sánh về tác động của các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả (MPOWER), biện pháp tăng thuế thuốc lá có thể đóng góp 50 – 60% hiệu quả trong việc làm giảm hút thuốc, đặc biệt là ở đối tượng thanh thiếu niên và người nghèo.
Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã đi đầu trong việc tăng thuế thuốc lá để giảm sức mua của người tiêu dùng. Tại Thái Lan, tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) là 78,6%, trong khi con số này ở Singapore, Indonesia, Philippines lần lượt là 67,1%, 63,5% và 71,3%.
Tính đến nay, 61 quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế hỗn hợp hoặc thuế tuyệt đối lên thuốc lá theo khuyến cáo của WHO và World Bank và 47/105 nước áp dụng cơ sở tính thuế là giá bán lẻ.
Thuế thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn thấp
Trong giai đoạn 2006 – 2008, nước ta đã thống nhất một mức thuế cho các dòng thuốc lá khác nhau. Tỷ lệ thuế trên giá xuất xưởng là 55% vào năm 2006 và 65% vào năm 2008.
Tuy nhiên, mức tăng thuế 10% trong giai đoạn này chỉ làm giảm tiêu dùng trong năm tăng thuế nhưng tiêu dùng tăng trở lại ngay sau đó.
Giai đoạn tăng thuế thuốc lá lần thứ hai là vào năm 2016 – 2019. Khi đó, nước ta áp dụng tăng thuế tỷ lệ lên 70% vào năm 2016 và 75% vào năm 2019. Song song với đó, cơ sở tính thuế (giá tính thuế) cũng được cải thiện, giảm % chênh lệch giá giữa khâu sản xuất và khâu bán buôn đối với một số dòng sản phẩm.
Nếu tính theo giá bán lẻ, mức thuế thuốc lá hiện nay tại nước ta rơi vào khoảng 37%, thấp hơn đáng kể so với mức 75% theo khuyến cáo của WHO. Chưa kể, dù đã qua nhiều lần tăng thuế nhưng tổng tiêu dùng vẫn tăng trở lại vào năm 2020 và giá thuốc lá vẫn ngày càng rẻ đi so với thu nhập.
Cụ thể, theo báo cáo của WHO vào năm 2021, giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia. Để có thể so sánh một cách công bằng giá thuốc lá giữa các quốc gia trên thế giới thì giá bao thuốc Marlboro ở các nước được chuyển đổi thành giá theo USD.
Theo đơn vị quy đổi này, giá trung bình một bao thuốc Marlboro ở Việt Nam là 2,82 USD/1 bao (tính theo sức mua tương đương), chỉ bằng ½ so với mức bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tại hội thảo thuế thuốc lá mới đây tại Đà Nẵng, các chuyên gia nhận định mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006 – 2008 và 2016 – 2019 vẫn rất thấp, không tạo ra tác động đủ lớn để giảm sức mua và giảm tiêu dùng.
Theo Th.S Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Việt Nam cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá; dong song với đó, cần bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn. Việc này giúp giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập, dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Hà Vy