Giá cà phê hôm nay 20/2: Duy trì mức tăng
Giá cà phê hôm nay 20/2/2024, tại thị trường trong nước duy trì đà tăng khoảng 200 - 400 đồng/kg. Hiện giá trung bình là 81.300 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên. Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta ghi nhận tăng khi đạt mốc 3.260 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước
Giá cà phê hôm nay (20/2/2024) tại thị trường trong nước duy trì mức tăng so với phiên giao dịch trước đó; tăng khoảng 200 - 400 đồng/kg. Hiện giá trung bình là 81.300 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 81.600 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá khá cao với 81.400 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 81.600 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 80.700 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay (ngày 20/2) tại tỉnh Đắk Lắk; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức 81.400 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 81.500 đồng/kg.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 1/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối năm 2023, vượt đỉnh 77.000 đồng/kg và có khả năng sẽ tiếp tục tăng.
Ngày 29/1/2024, giá cà phê Robusta tăng từ 8.900 – 9.200 đồng/ kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với cuối năm 2023. Tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, giá cà phê Robusta cùng tăng 8.900 đồng/kg, lên mức 77.000 – 77.100 đồng/kg; Tại tỉnh Lâm Đồng, giá tăng 9.100 đồng/kg lên mức 76.500 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông, giá tăng 9.200 đồng/kg, lên mức 77.400 đồng/kg.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 01/2024 đạt 210 nghìn tấn, trị giá 621 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với tháng 12/2023, so với tháng 01/2023 tăng 47,6% về lượng và tăng 99,6% về trị giá.
Giá xuất khẩu cà phê bình quân tháng 1/2024 đạt mức 2.955 USD/tấn, tăng 2,3% so với tháng 12/2023 và tăng 35,2% so với tháng 1/2023. Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam thuận lợi khi giá xuất khẩu cà phê Robusta tăng mạnh.
Với tỷ trọng chiếm 87,63% theo lượng và 75,53% về trị giá trong tổng xuất khẩu cà phê của cả nước, giá cà phê Robusta tăng mạnh giúp tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2023 tăng 4,6% so với năm 2022, mặc dù lượng xuất khẩu giảm 8,7%.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, giá xuất khẩu cà phê Robusta trung bình ở mức 2.253 USD/tấn, tăng 14% so với năm 2022. Lượng cà phê Robusta xuất khẩu đạt trên 1,42 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng, nhưng tăng 2,8% về trị giá so với năm 2022.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống cà phê Robusta của nước ta gồm: Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản…
Trong năm 2023, cà phê chế biến là chủng loại có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 29,6% so với năm 2022, đạt 876,15 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica giảm 32,8% về lượng và giảm 39% về trị giá so với năm 2022, đạt 39,97 nghìn tấn, trị giá 156,37 triệu USD.
Giá cà phê thế giới
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2024 được ghi nhận tại mức 3.260 USD/tấn sau khi tăng 0,9% (tương đương 29 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2024 tại New York ở mức 190,85 US cent/pound sau khi tăng 0,82% (tương đương 1,55 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h (giờ Việt Nam).
Theo các chuyên gia, sau báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng nhẹ trên mức dự kiến đã khiến suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ chậm cắt giảm lãi suất cho tới tháng 6 năm nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn tăng vọt đã làm hầu hết giá cả hàng hóa tăng theo.
Trên thế giới, đà tăng tiếp tục được củng cố đối với hai mặt hàng cà phê. Trong đó, giá Arabica và giá Robusta đều tăng cao so với tham chiếu. Tỷ giá USD/BRL giảm, gây tâm lý hạn chế bán hàng ở nông dân Brazil, từ đó thúc đẩy giá tăng.
Cụ thể, đồng Real nội địa của Brazil đã tăng mạnh những phiên giao dịch vừa qua đã kéo theo tỷ giá USD/BRL mất 0,13%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp gây ra tâm lý hạn chế bán cà phê do thu về ít ngoại tệ hơn của nông dân Brazil.
Với cà phê Robusta, vấn đề gián đoạn nguồn cung qua Biển Đỏ không còn tính bất ngờ đối với thị trường. Tuy nhiên, dữ liệu tồn kho liên tục giảm sâu phản ánh lo ngại về nguồn cung khó có thể được xóa bỏ.
Hoàng Hậu (t/h)