Đồng Nai: Kiểm tra thực tế, đề nghị chủ đầu tư sớm sửa chữa “tuyến đường đau khổ”
Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn đã hư hỏng rất nặng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn và đơn vị này nhiều lần nhắc nhở nhà đầu tư sửa chữa, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Ngày 8/10, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan này vừa tổ chức kiểm tra thực tế, đồng thời đã ban hành văn bản gửi Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức đề nghị nhanh chóng vào cuộc sửa chữa tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân thuộc dự án BOT đường tỉnh 768 đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân gồm đường Hoàng Văn Bổn (qua thành phố Biên Hòa) nối tiếp đường Thiện Tân (qua huyện Vĩnh Cửu) đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Ngày 4/10, Sở này tiếp tục kiểm tra thực tế tuyến đường này và ghi nhận hiện nay Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (chủ đầu tư) vẫn chưa có động thái tổ chức thực hiện sửa chữa, khắc phục.
Sau khi kiểm tra hiện trường, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai ngay sau đó đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức khẩn trương thực hiện việc sửa chữa, khắc phục những hư hỏng trên tuyến đường mà lâu nay người dân đã mệnh danh là “con đường đau khổ”.
Trước đó, ngày 19/9, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cũng đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND thành phố Biên Hòa, Tổng Công ty Sonadezi, Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức để nghe xem xét xử lý các vị trí hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên đường Nhà máy nước Thiện Tân.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy, tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần phối hợp với các Sở, ngành liên quan đi kiểm tra, nhắc nhở nhà đầu tư có biện pháp kịp thời sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng vẫn không được thực hiện.
Tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân thuộc dự án BOT đường tỉnh 768 do Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư, được khai thác từ năm 1999. Theo chủ đầu tư, do tuyến đường này trước đây chưa đầu tư hệ thống thoát nước, lượng xe lưu thông rất lớn nên vào mùa mưa nước chảy chủ yếu trên mặt đường, phá vỡ kết cấu khiến tuyến đường hư hỏng rất nặng. Do lưu lượng lưu thông trên tuyến rất lớn, kết hợp với mưa kéo dài nên có những đoạn vừa sửa chữa, dặm vá xong lại… hư hỏng lại.
Trước đó, ngày 18/9, Báo điện tử Xây dựng có bài viết “Đồng Nai: Khóc ròng với con đường đau khổ ở ngã ba Phát Triển” phản ánh tình trạng tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa.
Theo đó, đường Hoàng Văn Bổn cùng với đường Thiện Tân nối với Quốc lộ 1 (tại khu vực ngã ba Phát Triển) vào xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Mỗi ngày, con đường này “gánh” lượng xe quá lớn di chuyển từ Quốc lộ 1 vào xã Thiện Tân, hoặc đến cầu Thủ Biên (thuộc xã Thiện Tân) để sang tỉnh Bình Dương và ngược lại.
Trong khi đó, ngay điểm đầu của đường, nơi giao với Quốc lộ 1 mà người dân thường gọi là ngã ba Phát Triển cũng là một điểm “nóng” về ùn ứ giao thông từ nhiều năm nay.
Nhận phản ánh từ người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã nhiều lần có mặt tại “con đường đau khổ” này để ghi nhận thực trạng đường nhỏ hẹp lại bị xuống cấp, hư hại thảm hại. Khi mưa, đường trở thành... ao, ngày nắng thì bụi mù mịt.
Bất kể giờ giấc, trên tuyến này xe tải nặng luôn chạy theo từng đoàn. Do đường hẹp, nhiều đoạn xe chạy hướng ngược lại phải nhường đường cho xe ở làn bên đi qua rồi mới có thể nối đuôi nhau nhích tiếp từng chút. Trong khi đó, lượng xe máy, xe đạp, đặc biệt vào giờ cao điểm học sinh, công nhân phải luồn lách giữa nhiều xe tải nặng, xe container, leo cả lên lề đường trong khi lề đường cũng hư hại nặng, rất nguy hiểm.
UBND phường Tân Biên cho biết, tuyến đường qua địa bàn xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri năm nào người dân cũng phản ánh rất mạnh. Từ năm 2022, UBND tỉnh Đồng Nai từng có văn bản giao Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai xử lý, nhưng đến nay “con đường đau khổ” vẫn là nỗi ám ảnh như cũ.