0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ bảy, 12/08/2023 10:23 (GMT+7)

Doanh nghiệp gặp khó khi không được hoàn thuế

Theo dõi KT&TD trên

Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì bị “giam” tiền tỷ hoàn thuế VAT khiến dòng tiền kiệt quệ, đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.

Việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các mặt hàng xuất khẩu, dự án đầu tư không đúng thời gian quy định với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Đáng nói dù vấn đề này đã kéo dài rất lâu và đã được hàng loạt hiệp hội, DN kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.

Hàng loạt công ty ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn, may mặc… cho biết họ đang gặp khó khăn về dòng vốn vì chưa được hoàn thuế VAT với số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi DN. Thậm chí nhiều công ty đã đợi 1-2 năm vẫn chưa được hoàn thuế VAT.

Ảnh minh họa 
Ảnh minh họa

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (TP.HCM), cho biết việc hoàn thuế cho DN thời điểm này rất khó khăn và chậm, khiến dòng tiền của DN "không nhúc nhích".

“Từ năm ngoái đến nay, tiền hoàn thuế của Dony vẫn bị mắc lại, chưa hoàn được khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, với các DN xuất khẩu, tiền hoàn thuế rất quan trọng vì thực tế lợi nhuận mà DN có thể bỏ túi khi xuất khẩu chỉ khoảng 3% - 7%, đa số là 5%, nhưng thuế VAT đầu vào chiếm khoảng 10%. Vì thế mà khoản này đã ‘ăn’ hết lợi nhuận, thậm chí ‘ăn’ một phần vào tiền vốn gốc của DN”, ông Quang Anh phân tích. Do đó, theo CEO May mặc Dony, nếu không hoàn thuế được, DN càng làm càng lỗ.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm sản tình trạng còn éo le hơn. Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khẳng định theo thống kê sơ bộ, ước tính số tiền mà các doanh nghiệp ngành gỗ bị chậm hoàn thuế VAT đã lên tới hơn 6.000 tỉ đồng, trên thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều. Điều này gây tổn thất rất lớn cho các doanh nghiệp gỗ trong bối cảnh chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ hết sức khó khăn như hiện nay.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam (VICAAS), thông tin theo cập nhật chưa đầy đủ của các DN hội viên, tiền thuế GTGT mà DN chưa được hoàn hiện lên đến 700 tỉ đồng. "Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh DN gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay. Cộng đồng DN mong sớm được hoàn thuế GTGT để phần nào giải quyết khó khăn trước mắt" - ông Tiến bày tỏ.

Chủ tịch VICAAS cho hay hiệp hội đang kiến nghị bỏ quy định tạm đóng thuế GTGT khi xuất khẩu để giảm bớt thủ tục hoàn thuế cho DN. Đại diện VICAAS phân tích: Về bản chất, tiền hoàn thuế GTGT là tiền của DN tạm đóng trước. Nếu không tạm đóng thuế GTGT thì nhà nước không cần tốn nguồn lực để quản lý và kiểm soát việc hoàn thuế hoặc phát sinh trường hợp DN gian lận.

Từ cuối năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp (DN) ngành cao su cũng phải chờ được cơ quan thuế kiểm tra trước mới hoàn thuế sau. Quá trình kiểm tra xác minh kéo dài và có nhiều thủ tục, yêu cầu gây khó khăn cho DN. Chẳng hạn, ngành thuế yêu cầu xác minh của các ngân hàng mà công ty có giao dịch ngoại tệ, phải có thể hiện trên chứng từ báo có tên tài khoản ngân hàng nước ngoài. Khi đó công ty đã gửi 3 công văn của các ngân hàng có giao dịch đều trả lời thông lệ quốc tế không có quy định nào về yêu cầu các điện báo có thanh toán bằng thư tín dụng "L/C" và nhờ thu "D/P" phải thể hiện đầy đủ tên và thông tin số tài khoản của người chuyển tiền/người mua. Giấy báo có của ngân hàng thực hiện theo định dạng tiêu chuẩn của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT)… Thế nhưng phía cơ quan thuế vẫn không đồng ý. Sau đó, công ty lại phải gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước và cũng nhận được phản hồi từ Ngân hàng Nhà nước là thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối và điều ước quốc tế.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đánh giá: Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do chỉ đạo của Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… xác minh nguồn gốc gỗ từ người trồng rừng đến khi lô hàng xuất khẩu đi.

Quá trình xác minh rất dài, có khi hơn một năm vẫn chưa xong thủ tục hoàn thuế VAT dẫn đến ách tắc. Chẳng hạn các đơn vị xuất khẩu cao su từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được các cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế VAT, trong đó DN ít thì 20-30 tỉ đồng, DN nhiều lên tới cả trăm tỉ đồng.

Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho rằng, việc hoàn thuế VAT cần phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật. Do đó, Cục Thuế đã tập trung đẩy mạnh công tác rà soát, xác minh, tiến hành hoàn thuế theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, Cục Thuế TPHCM tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn, giải đáp những kiến nghị của DN trong công tác hoàn thuế.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp gặp khó khi không được hoàn thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Cộng Cà phê: Hành trình từ quán nhỏ đến thương hiệu Quốc tế
Hành trình của Cộng Cà Phê từ một quán nhỏ đến một thương hiệu toàn cầu là một câu chuyện đầy cảm hứng. Với sự khác biệt, sáng tạo và kiên trì, Cộng Cà Phê đã chứng minh rằng ngay cả với vốn điều lệ nhỏ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể đạt được những thành công lớn

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.