Định hướng phát triển thị trường chứng khoán theo hướng bền vững
Dù chịu nhiều tác động từ tình hình chung của toàn cầu, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì ổn định, an toàn, thông suốt, thanh khoản tốt và tính minh bạch, bền vững được tăng cường.
Năm 2024, tình hình kinh tế của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới.
Công tác tài chính - ngân sách nhà nước ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tiếp tục được củng cố, đảm bảo. Việt Nam trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.
Các lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh trở thành động lực tăng trưởng mới, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Các thị trường tài chính, thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, hoạt động an toàn, minh bạch hơn.
Tại Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong xu hướng hội nhập (ngày 21/2), ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Dù chịu nhiều tác động từ tình hình chung của toàn cầu, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì ổn định, an toàn, thông suốt, thanh khoản tốt và tính minh bạch, bền vững được tăng cường.
Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặc biệt chú trọng.

Không chỉ làm tốt về công tác quản lý, điều hành, giám sát mà hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, điển hình là Luật Chứng khoán sửa đổi đã được ban hành. Các văn bản hướng dẫn luật hiện đang được đẩy nhanh hoàn thiện để tiếp tục “tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp” và các quy định tiệm cận các thông lệ quốc tế.
Đối với năm 2025, ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, đây là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Việt Nam, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, chuẩn bị tiền đề cho kế hoạch phát triển cho 5 năm tiếp theo của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, đến năm 2030 đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đặt quyết tâm tăng trưởng GDP năm 2025 là tối thiểu từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025, bên cạnh các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, thì huy động nguồn lực là vấn đề cốt lõi cho tăng trưởng của Việt Nam. Và để đạt được điều đó, Việt Nam cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 160 tỷ USD - đây là một con số rất lớn.
Do vậy, bên cạnh những nguồn vốn chuẩn bị từ ngân sách nhà nước, thì thị trường vốn là kênh huy động rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Đối với định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu quan trọng đối với Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hoạt động trong ngành chứng khoán là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế;
Duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với các nước phát triển.
Diệp Anh