Diễn biến mới nhất về dự án tỷ đô Saigon Atlantis Hotel
Dự án Saigon Atlantis Hotel có tổng mức đầu tư siêu khủng là 4,1 tỷ USD, được cấp phép đầu tư từ năm 2006, nhưng đến nay, sau gần 20 năm dự án này vẫn “án binh bất động”.
Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã có Văn bản số 2897/UBND-VP gửi các đơn vị liên quan về dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại TP. Vũng Tàu của Công ty TNHH Winvest Investment (Việt Nam).
Cụ thể, sau khi xem xét Công văn số 722/SKHĐT-ĐTDN ngày 01/3/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo liên quan dự án KDL Giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel (Dự án trọng điểm tháng 03/2024) và Công văn số 1772/CTBRV-HKDCN ngày 28/02/2024 của Cục Thuế tỉnh về việc tiền thuê đất dự án khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel của Công ty Winvest Investment, UBND tỉnh BR-VT đã đề nghị Công an tỉnh khẩn trương có ý kiến liên quan đến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Mục 6 Thông báo số 84/TB-UBND ngày 07/02/2024; gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 13/3/2024.
Đồng thời, UBND tỉnh BR-VT giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nghiên cứu, cập nhật ý kiến của Cục Thuế tỉnh tại Công văn số 1772/CTBRV-HKDCN nêu trên; tổng hợp, rà soát báo cáo của các đơn vị; đôn đốc doanh nghiệp sớm có báo cáo liên quan dự án; tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel của Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam trong tháng 03/2024.
Bên cạnh đó, Sở KH-ĐT được giao tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ trong tháng 03/2024 với 02 nội dung cụ thể gồm: Báo cáo tiến độ xử lý giải quyết vướng mắc dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại thành phố Vũng Tàu của Công ty TNHH Winvest Investment (Việt Nam); Xin gia hạn thời gian xử lý trong Quý II/2024 (do tính chất dự án FDI có quy mô lớn, việc xử lý cần được xem xét kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, tránh khiếu kiện quốc tế).
Theo tìm hiểu, Dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel do Công ty TNHH Winvest Investment (100% vốn đầu tư của Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư. Dự án được Bộ KH-ĐT cấp Giấy phép đầu tư số 2560/GP ngày 14/4/2006 và UBND tỉnh BR-VT cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ 1 ngày 2/1/2009. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh một khu du lịch nghỉ mát, giải trí đa năng tại khu Chí Linh - Cửa Lấp với diện tích đất khoảng 307 ha và 610 ha mặt nước biển. Tuy nhiên, sau buổi lễ trao giấy chứng nhận đầu tư “rình rang” vào năm 2007, đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”.
Để giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án, ngày 13/12/2017 UBND tỉnh BR-VT đã có Văn bản số 12264/UBND-VP đề nghị Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam có văn bản đề xuất nguyện vọng của nhà đầu tư liên quan đến việc thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel để UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Cũng tại Văn bản số 12264/UBND-VP của UBND tỉnh BR-VT cũng nêu rõ, để thực hiện dự án, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện như: Chứng minh năng lực tài chính để được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư theo quy định tại khoản 2, điều 14, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2017 quy định chi tiết về một số điều của Luật đất đai và điểm d, khoảng 1 điều 33 Luật đầu tư 2014; Cam kết về tiến độ và kế hoạch thực hiện dự án trong thời gian tới; Góp đủ vốn điều lệ theo quy định pháp luật về doanh nghiệp; Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; Thực hiện ký quỹ đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư; Cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định.
Trường hợp chủ đầu tư không chứng minh khả năng triển khai thực hiện dự án và không đủ năng lực để triển khai dự án, tỉnh sẽ xem xét chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định pháp luật về đất đai, đầu tư.
Theo kế hoạch, Dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel sẽ cơ bản hoàn tất việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vào năm 2009. Nhưng đến năm 2019, mới bồi thường giải phóng mặt bằng được gần 215ha; diện tích còn lại hơn 82ha/85 hộ với kinh phí bồi thường dự kiến khoảng 1.026 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai. Và đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy chưa hẹn ngày khởi công.
Theo Luật sư Hà Huy Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường (Hội Kinh tế môi trường Việt Nam), Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco nhận định, các dự án chậm tiến độ, dự án treo gây lãng phí lớn về tài chính của chính chủ đầu tư, thị trường, người tiêu dùng và của cả ngân sách nhà nước; làm méo mó hình ảnh về môi trường đầu tư và niềm tin vào hệ thống pháp luật, khả năng thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Việc dự án bị chậm tiến độ cũng phần nào phản ánh thực trạng lập pháp và hành pháp của chúng ta. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn là lực kháng trở đối với nhu cầu tự nhiên của nền kinh tế thị trường và xã hội. Nhìn tổng quan, đó là thứ mà chúng ta đang rất yếu", luật sư Phong nhận định.
Theo luật sư Hà Huy Phong, chúng ta cần hoàn thiện lại hệ thống quy phạm pháp luật, bổ sung thêm các quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong việc thu hồi dự án treo, dự án không triển khai. Trong đó làm rõ vấn đề xử lý quyền tài sản của chủ đầu tư trên đất và trách nhiệm của chủ đầu tư buộc phải thực hiện khi vi phạm nghĩa vụ về tiến độ triển khai dự án.
Ngoài ra, cần có các quy định pháp luật nghiêm minh hơn, cụ thể hơn để xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu ở các địa phương. Sự thiếu quyết liệt và thỏa hiệp của cán bộ quản lý địa phương là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng dự án treo.
Ý Anh