Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo cung cấp điện năm 2024
Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp về nguồn thủy điện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Công Thương vừa ban hành văn bản chỉ đạo EVN, Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than về việc thực hiện các giải pháp vận hành nhà máy nhiệt điện than và nguồn thủy điện để đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp về nguồn thủy điện theo chỉ đạo của Chính phủ. Về vận hành các nhà máy nhiệt điện than, EVN, PVN, TKV và các đơn vị phát điện chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than thuộc phạm vi quản lý thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng vận hành tối đa công suất khả dụng của tổ máy khi có nhu cầu huy động của hệ thống điện Quốc gia các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 (đặc biệt vào thời gian cao điểm mùa khô); thực hiện nghiêm các Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trong thời gian qua về việc chuẩn bị nhiên liệu than đảm bảo cho sản xuất điện năm 2024.
Bảo dưỡng hệ thống truyền tải, đảm bảo an toàn cung cấp điện.
Đối với các Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt tại miền Bắc, khẩn trương hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động của hệ thống điện Quốc gia các tháng còn lại năm 2023 và năm 2024; theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy; rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của nhà máy điện; đảm bảo vật tư dự phòng cho các thiết bị của nhà máy điện.
Thực hiện sớm, triệt để các giải pháp để hạn chế tối đa sự suy giảm công suất phát điện các tổ máy do ảnh hưởng bởi nguồn nhiên liệu than, nhiệt độ nước làm mát tuần hoàn cao hoặc ảnh hưởng của các điều kiện về môi trường khác. Chủ động các giải pháp để đảm bảo tuân thủ quy định về môi trường, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc để đảm bảo khả dụng tối đa của các tổ máy; Chuẩn bị than cho hoạt động sản xuất điện trong các tháng còn lại năm 2023 và năm 2024.
Trước đó, ngày 28/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN báo cáo về các giải pháp cung ứng điện năm 2024, Thường trực Chính phủ kết luận, việc xây dựng Kế hoạch và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ yêu cầu bảo đảm nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN, EVN và các đơn vị có liên quan phối hợp tính toán, xác định nhu cầu và kế hoạch cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024. Trên cơ sở đó, TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động, tích cực triển khai ngay các giải pháp tổ chức sản xuất, khai thác tối đa nguồn than trong nước để cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Để bảo đảm vận hành tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện, chủ đầu tư các nhà máy điện than trong cả nước, đặc biệt là tại miền Bắc, cần có kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, bảo trì phù hợp, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động phát điện của cơ quan có thẩm quyền, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy trong những tháng cáo điểm.
Về nguồn thủy điện, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ thẩm quyền chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và các đơn vị có liên quan chỉ đạo điều hành linh hoạt tích giữ, sử dụng nước phù hợp với tình hình thực tế trên nguyên tắc chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc và tiếm kiệm giữ mực nước bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa hè (thường là vào tháng 5, tháng 6 hàng năm) và có tính toán dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024. Các Chủ sở hữu hồ, đập, thủy điện chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên nước.
Về nguồn năng lượng tái tạo, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện để tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn, tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm./.
LÊ HÙNG