'Đầu tư sân golf sẽ bùng nổ, Việt Nam hướng tới 400 - 500 sân golf'
Với làn sóng phát triển sân golf ở nhiều tỉnh thành, giới chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ có 400 - 500 sân golf vào năm 2030, cao gấp 4 - 5 lần hiện nay.
'Để địa phương nào cũng có sân golf'
Phát biểu tại tọa đàm 'Đầu tư ngành golf Việt Nam' mới đây, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết golf đã xuất hiện tại Việt Nam khoảng 1 thế kỷ trước, song chỉ thực sự trở thành một ngành nghề đầu tư khi đất nước 'đổi mới'.
Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, ở Việt Nam hầu như không ai biết golf là gì. Tới khi nhà đầu tư Thái Lan đưa hồ sơ golf vào, Chính phủ mới lập đoàn công tác sang Thái Lan để tìm hiểu về golf. 'Khi đặt chân đến Thái Lan, chúng tôi được dẫn đến một sân golf để tìm hiểu rồi mới dần vỡ ra về mô hình sân golf. Lúc đó, chúng ta chưa có một sân golf nào, trong khi Thái Lan đã có 100 sân, đặc biệt Mỹ lại có hơn 1.000 sân golf. Sau cuộc khảo sát ở nước ngoài, chúng ta cũng hình thành được sân golf Đồng Mô và chỉ trong 3-5 năm tiếp theo, chúng ta đã được cấp 10 sân golf trong cả nước', ông Thắng cho biết.
Từ những bước đi ban đầu đó, golf đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tới nay, toàn quốc có 80 sân golf đang hoạt động. Số sân golf dự kiến sẽ đạt con số 100 vào cuối năm nay và sẽ tiến tới mốc 200 vào năm 2025.
Theo TS Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 3 nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ đầu tư sân golf tại Việt Nam. Một là hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đầu tư đối với ngành golf, bởi sau thời gian thuê đất 50 năm thì các nhà đầu tư sẽ được ưu tiên được thuê đất tiếp và đến một thời điểm thích hợp (nếu điều kiện thuận lợi) thì nơi đây sẽ biến thành các khu đô thị, khu công nghiệp. Hai là bây giờ thủ tục đầu tư sân golf đã đơn giản hơn, không phải thông qua Thủ tướng hay các bộ nữa. Dự án đã có trong quy hoạch rồi thì sẽ được triển khai. Ba là hiện nay nhu cầu chơi golf đang tăng cao. Theo TS Thành, khả năng tới năm 2030, cả nước có thể đạt tới 400-500 sân golf.
Được biết, nhiều địa phương đã đưa vào quy hoạch rất nhiều dự án sân golf. Chẳng hạn như tỉnh Hòa Bình vừa đặt mục tiêu trở thành 'thủ phủ golf' khi muốn phát triển gần 40 sân golf từ nay đến năm 2050. Hiện Hòa Bình mới có 2 sân golf đang hoạt động và 3 sân khác đã được cấp chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh này đã bổ sung vào quy hoạch 16 sân golf với tổng diện tích 1.755ha. Định hướng đến năm 2050, Hòa Bình sẽ có thêm 17 dự án sân golf. Như vậy, nếu thực hiện đúng kế hoạch phát triển trên, Hòa Bình có thể sở hữu gần 40 sân golf.
Tương tự, trong quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc cũng dự kiến làm 40 dự án dịch vụ, du lịch, sân golf chủ yếu tại TP. Phúc Yên và huyện Tam Đảo.
Một địa phương khác là Quảng Ninh cũng muốn trở thành trung tâm du lịch sân golf của phía Bắc, khi quy hoạch 22 sân golf. Hiện, tỉnh Quảng Ninh có 3 sân đã đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, 2 sân đang đầu tư xây dựng, 1 sân đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; 16 sân phát triển mới đang thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, chưa triển khai đầu tư.
Là địa phương không có thế mạnh về du lịch, song Bắc Giang cũng đang nhảy vào cuộc đua này. Trong thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, Bắc Giang tham vọng thành trung tâm golf khi quy hoạch 13 sân golf.Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đang xây dựng kế hoạch đến năm 2030 sẽ có 13 sân golf.
'Golf mang lại nguồn lực kinh tế lớn'
Theo nhà báo Phan Thế Hải, ngành golf mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế và cơ hội việc làm cho Việt Nam. 'Với những vùng đất nghèo dinh dưỡng, khó làm nông nghiệp hoặc khai thác các khía cạnh kinh tế khác, thì làm golf rất hiệu quả. Đừng nói golf chỉ dành cho giới nhà giàu. Golf đã làm thay đổi đời sống của nhiều lao động, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn'.
Ông Hải cho biết các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia đã hình thành các tour du lịch golf trọn gói với hệ thống cung ứng dịch vụ đa dạng từ khách sạn, nhà hàng, lữ hành… với giá cả hợp lý. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể phát triển mạnh du lịch golf. Các golfer nước ngoài rất thích tới Việt Nam vì thời tiết phù hợp, giao thông thuận lợi và kinh tế phát triển.
Theo ông Phan Hữu Thắng, golf đang ngày càng chứng tỏ được là một ngành kinh tế tốt, bởi mang lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội, có đóng góp phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và càng giúp Việt Nam hội nhập sâu vào quốc tế.
Trong thời gian tới, để phát triển golf thành một ngành kinh tế, ông Thắng cho rằng cần có một nhận thức mới, một hành động mới trong việc đầu tư cũng như phát triển sân gofl. 'Nhà nước cần có tầm nhìn lớn hơn về quy hoạch để làm sao có một bản đồ golf, để địa phương nào cũng có sân golf, để ai ai cũng muốn chơi golf. Đối với những vùng chưa phát triển, chính quyền cần có chính sách phù hợp hơn; còn với địa phương vùng sâu vùng xa có khách đến nhưng chưa có chính sách về sân golf cũng cần có những thủ tục để tạo thuận lợi nhất', ông Thắng nhấn mạnh.
Để phong trào golf mạnh hơn nữa
Với kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực golf, ông Nguyễn Huy Tiến, Trưởng bộ môn Golf Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, cho biết sự phát triển của giới golf-er Việt Nam có thể chia làm ba thế hệ.
Thế hệ golf đầu tiên là vào năm 2009, khi ông Tiến thành lập câu lạc bộ golf trẻ Hà Nội, khi đó gồm khoảng 10 thành viên như: Nguyễn Th ái Dương, Nguyễn Chí Dũng, Phạm Minh Đức và một vài động viên trẻ của Hà Nội. Thế hệ thứ hai, cách sau đó 4-5 năm, gồm những Nguyễn Thảo My, Nguyễn Huy Thắng, Vũ Nguyên và một số vận động viên khác. Tới thế hệ golf thứ 3, các golf-er đã trở nên rất nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực thế giới.
'Từ chỗ chúng ta chưa có một vận động viên nào xếp hàng thế giới thì trong năm 2017 - 2018 đã có Nguyễn Thảo My, Trương Chí Quân. Ở Mỹ, Nguyễn Thảo Mỹ xếp hạng 227 trên thế giới. Thời điểm hiện tại có Nguyễn Anh Minh xếp hạng 185 thế giới.
SEAGAMES vừa rồi, khi trả lời phỏng vấn các tạp chí golf, tôi dự báo Việt Nam cần 10-15 năm tranh chấp các huy chương, nhưng thật may vừa rồi chúng ta đã có huy chương vàng golf, phải nói đây là bước ngoặt rất lớn.
Tôi nhận thấy chúng ta đang có sự phát triển rất mạnh từ golf phong trào, không có nước nào có câu lạc bộ và giải golf nhiều như Việt Nam và có hàng nghìn người chơi. Sân golf bây giờ đã có hàng trăm sân golf và tương lai sẽ có rất nhiều. Sân golf góp phần rất lớn vào việc lôi kéo người chơi golf. Tôi mong những ai chưa biết về golf hãy thử một lần để trải nghiệm ,chiêm nghiệm được những cái hay cái đẹp của golf', ông Tiến nói.