0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 15/09/2023 13:18 (GMT+7)

Chủ sân golf lớn nhất Việt Nam: Kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả chiếm nửa tài sản

Theo dõi KT&TD trên

Trong 6 tháng đầu năm 2023, PV-Inconess - chủ đầu tư dự án sân golf Hoàng Gia tại tỉnh Ninh Bình ghi nhận khoản lỗ hơn 4,2 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty tính đến 30/6/2023 hơn 716 tỷ, chiếm nửa tổng tài sản.

Chủ sân golf lớn nhất Việt Nam: Kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả chiếm nửa tài sản

Công ty cổ phần Đầu tư PV-Inconess là chủ đầu tư dự án sân golf Hoàng Gia tại tỉnh Ninh Bình, có tổng diện tích lên tới 670ha. Mặc dù là chủ sở hữu dự án sân golf có quy mô lớn nhất Việt Nam nhưng doanh nghiệp này nhiều năm nay chìm trong thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, PV-Inconess ghi nhận doanh thu bán hàng và dịch vụ hơn 67,4 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ golf chiếm đa với gần 52 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; cùng với đó là các khoản doanh thu từ nhà hàng, phòng nghỉ khách sạn cũng tăng. Lợi nhuận gộp về bán hàng và dịch vụ của công ty tăng nhẹ 10% so với cùng kỳ lên 6,4 tỷ đồng.

Kỳ này, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của PV-Inconess tăng tương ứng lần lượt 105% và 17% so với cùng kỳ. Điều này dẫn tới công ty ghi nhận khoản lỗ 4,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng gấp 10,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của PV-Inconess ghi nhận 1.442 tỷ, chủ yếu là tài sản dài hạn 1.280 tỷ đồng và 162 tỷ là tài sản ngắn hạn. Nợ phải trả của công ty tính đến 30/6/2023 là 716,6 tỷ, tăng nhẹ 3% so với con số 695,6 tỷ đồng đầu năm. Chiếm chủ yếu trong nợ phải trả của công ty là các khoản nợ dài hạn lên tới 679,6 tỷ đồng, bao gồm: 73,8 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn và hơn 605,7 tỷ đồng phải trả dài hạn khác.

Vốn chủ sở hữu của PV-Inconess tại ngày 30/6/2023 chủ yếu là vốn góp của chủ sở hữu tới 726 tỷ đồng.

Trước những biến động chênh lệch lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ và ý kiến từ tổ chức kiểm toán đưa ra, PV - Inconess đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để giải trình.

Chủ sân golf lớn nhất Việt Nam: Kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả chiếm nửa tài sản
Văn bản của Công ty cổ phần Đầu tư PV - Inconess (UPCoM : RGC) gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình về những biến động lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ và một số ý kiến ngoại trừ trên Báo cáo tài chính bán niên 2023.

Cụ thể, giải trình về việc chênh lệch lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, PV – Inconess cho biết, nguyên nhân chính là do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 18,8 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ golf số lượt khách tăng so với cùng kỳ năm trước là 11,522 lượt làm cho doanh thu dịch vụ golf tăng 14,4 tỷ đồng. Số lượt khách đến lưu trú và sử dụng dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng tăng so với cùng kỳ nên doanh thu nhà hàng tăng 2,13 tỷ đồng. Doanh thu khách sạn tăng 1,86 tỷ đồng; doanh thu bán hàng hóa tăng 474 triệu đồng.

Về giá vốn hàng bán tăng 18,2 tỷ đồng. PV – Inconess cho biết nguyên nhân tăng này là do mới đưa vào vận hành, khai thác 9 hố còn lại của sân Queen, Villas 8 căn Zone 3B và một số hạng mục khác vào nên phát sinh tăng các chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (tăng 1,3 tỷ đồng), chi phí nhân công (tăng 4,6 tỷ đồng), chi phí vật liệu (tăng 1,2 tỷ đồng), chi phí khấu hao tài sản cố định (tăng 9,9 tỷ đồng) chi phí dịch vụ mua ngoài (tăng 980 triệu đồng).

Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng tăng 1,6 tỷ đồng do doanh thu tăng làm phát sinh tăng chi phí hoa hồng bán hàng cho các đại lý (tăng 1,3 tỷ đồng), chi phí cho các giải đấu....

Về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 bị lỗ, PV - Inconess cho biết nguyên nhân là do doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác không bù đắp được giá vốn và chi phí bán hàng, chi phí quản lý trong kỳ.

Tại báo cáo tài chính bán niên 2023 của PV – Inconess, kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn RSM Việt Nam đưa ra 3 ý kiến ngoại trừ do nghi ngờ về khả năng thu hồi các khoản nợ từ nhiều năm trước. Theo đó, các ý kiến ngoại trừ lần này từng bị tổ chức kiểm toán ngoại trừ ở các năm 2017 và 2018.

Đáng chú ý, giải trình về khoản lợi thế thương mại với giá trị 41 tỷ đồng phát hành khi Công ty cổ phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tư vấn đầu tư (Inconess) góp vốn vào công ty. PV – Inconess lý giải rằng khoản lợi thế thương mại này được phân bổ trong thời gian 10 năm kể từ ngày công ty chính thức đưa công trình "Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng - Ninh Bình" đi vào hoạt động.

Đến ngày 30/6/2023, giá trị còn lại khoản lợi thế thương mại này là 21 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết Chủ sân golf lớn nhất Việt Nam: Kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả chiếm nửa tài sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khi người trẻ bước vào cuộc chơi đầu tư kinh doanh
Thế hệ Z và millennials đang thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thị trường đầu tư Việt Nam. Không còn là những nhà đầu tư thận trọng theo truyền thống, giới trẻ ngày nay bước vào cuộc chơi với tư duy táo bạo, công nghệ hiện đại và khát vọng tạo dựng tài sản từ sớm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt nhiều doanh nghiệp
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra các quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Cao-su Sông Bé và CTCP Chứng khoán đầu tư tài chính Việt Nam do những vi phạm trong công bố thông tin, không quy định nội dung họp trực tuyến trong quy chế nội bộ, giao dịch, báo cáo...

Tin mới

Hai tập đoàn lớn muốn đầu tư nhiều dự án BT tại TP.HCM
Sun Group và Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án tại một số khu vực của TP.HCM, trong đó có dự án khu đô thị cảng Trường Thọ, các dự án dọc sông Sài Gòn, các dự án còn lại trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 2 tuyến đường sắt đô thị.
Giả danh giảng viên đại học lừa đảo "đặt hàng cho trường" chiếm đoạt tiền tỷ của bị hại
Lợi dụng lòng tin và nhu cầu kinh doanh, đối tượng đã mạo danh giảng viên đại học, giăng bẫy lừa đảo với chiêu trò "đặt hàng cho nhà trường". Với những đơn hàng giá trị lớn, yêu cầu mua hàng qua "đối tác" trung gian, chúng đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ các công ty, hộ kinh doanh.