Phú Yên: Triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Chiều 13/4, tại UBND tỉnh Phú Yên, Đoàn công tác số 2 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với 13 tỉnh, thành phố để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại tỉnh Phú Yên với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa và trực tuyến với các điểm cầu: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đầu tư công là một trong ba yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các tồn tại trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công để tìm ra giải pháp khơi thông, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đã giải ngân của 13 địa phương đến hết ngày 10/4 là 13.803,505 tỷ đồng, đạt 10,66% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Tổng hợp từ số liệu của các địa phương, dự kiến cả năm giải ngân được khoảng 124.975,15 tỷ đồng/129.478,545 tỷ đồng, đạt 96,52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Trong đó, có 6 địa phương dự kiến giải ngân 100% kế hoạch (Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa), 6 địa phương dự kiến giải ngân trên 95% kế hoạch (Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định), 1 địa phương dự kiến giải ngân dưới 95% (Quảng Nam).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã phân tích kết quả thực hiện, chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư hiện gặp nhiều khó khăn về xác định nguồn gốc đất, xác định giá trị đất; thỏa thuận với người dân; các địa phương chưa chủ động bố trí đất sạch để tái định cư.
Thời điểm đầu năm, công tác đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, số lượng giao dịch thành công ít hơn so với dự kiến nên việc triển khai các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn này gặp khó và dự kiến tiếp tục kéo dài tới hết quý II/2023. Trình tự thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa, đàm phán hiệp định (gia hạn hiệp định), thương thảo hợp đồng (FIDIC), đấu thầu, giải ngân vốn vay nước ngoài đối với các dự án ODA còn nhiều bước, kéo dài.
Ông Tạ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Tính đến ngày 31/3, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của Phú Yên là 296,289 tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 4,4% kế hoạch vốn tỉnh giao. Để công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh triển khai đúng kế hoạch đề ra, tỉnh kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 sang năm 2023, tạo điều kiện phát huy hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo nguồn lực triển khai thi công các dự án.
Về các khó khăn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản, kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn cụ thể về giá đất tính thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp các hộ dân được giao đất tái định cư được tính tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại 13 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương còn lại phải khẩn trương thực hiện các quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án. Trước ngày 20/4, các tỉnh, thành phố phải báo cáo những dự án cần có sự kéo dài kế hoạch sử dụng vốn của năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 4/2023.
Liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù và hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương phải thực hiện việc định giá (giao Sở Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu). Nếu chính quyền địa phương để xảy ra chậm tiến độ định giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả đầu tư công lẫn đầu tư tư. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân cần phải thực hiện phù hợp với quy hoạch và tiến độ thực hiện dự án. Việc điều tiết nguồn vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia cần sớm thực hiện đối với các dự án, công trình có tác động xã hội lớn.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cảm ơn ý kiến chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và ý kiến góp ý của lãnh đạo các Bộ trong việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh Phú Yên và các tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Sau cuộc họp này, Tỉnh ủy Phú Yên sẽ chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo UBND tỉnh điều hành nghiêm túc, quyết liệt, kế hoạch hoạch đầu tư công năm 2023, phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn trên 95% theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.