0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 23/07/2025 19:33 (GMT+7)

"Đánh" thuế tài sản số: Những bài toán vẫn cần lời giải

Theo dõi KT&TD trên

Việt Nam đang đi đúng hướng khi xây dựng khung pháp lý cho tài sản số, phù hợp với xu thế của quốc tế. Dẫu vậy, việc tận dụng cơ hội và thu nguồn lợi từ thị trường tiền số vẫn nhiều thách thức từ môi trường pháp lý đến công nghệ...

Nguồn thu lớn từ thuế tài sản số

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) với một điểm mới đáng chú ý: thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng tài sản số – bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa – sẽ thuộc diện chịu thuế.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra nguyên tắc áp dụng đối với các giao dịch tài sản số diễn ra trên những sàn giao dịch được cấp phép, đảm bảo minh bạch về thông tin giá và có hoạt động thường xuyên. Theo đó, thuế suất 0,1% trên giá trị mỗi lần giao dịch được đề xuất, tương tự mức thuế đang áp dụng với chứng khoán.

Trước thời điểm này, giao dịch và sở hữu tài sản số tại Việt Nam chưa có quy định pháp lý cụ thể. Luật Công nghiệp công nghệ số, được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, là văn bản đầu tiên chính thức công nhận tài sản số là một loại tài sản hợp pháp theo pháp luật dân sự. Đây chính là căn cứ để cơ quan thuế xây dựng các chính sách thuế liên quan, từ thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cho đến thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đánh thuế tài sản số: Tiềm năng cao nhưng rào cản cũng lớn- Ảnh 1.
Việc tận dụng cơ hội và thu nguồn lợi từ thị trường tiền số vẫn không dễ dàng, với nhiều thách thức phía trước. Ảnh minh hoạ.

Đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho rằng, khi tài sản số trở thành một kênh đầu tư phổ biến, việc áp dụng thuế là điều tất yếu để đảm bảo công bằng giữa các loại hình tài sản và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Thực tế, Việt Nam hiện là một trong những thị trường tiền số phát triển nhanh nhất thế giới. Báo cáo của Tripple-A công bố tháng 6/2024 cho biết năm 2023, Việt Nam có tới 20,9 triệu người nắm giữ tiền kỹ thuật số, đứng thứ 4 thế giới về số lượng, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ. Xét về tỷ lệ dân số, Việt Nam đạt 21,2%, vượt Mỹ (15,6%) và chỉ kém Ấn Độ.

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, hiện có khoảng 17 triệu tài khoản đầu tư vào tài sản số, chiếm 17-20% dân số, cao gấp nhiều lần so với mức trung bình toàn cầu (chỉ khoảng 6%).

Đặc biệt, nếu áp dụng thuế suất 0,1% như đề xuất, nguồn thu ngân sách ước tính có thể vượt 800 triệu USD mỗi năm, nhờ khối lượng giao dịch tiền số tại Việt Nam rất lớn. Cách tiếp cận này được đánh giá là hợp lý vì mức thuế tuy nhỏ nhưng vẫn tạo được dòng thu ổn định, đồng thời không làm giảm sức hút của thị trường tiền số trong nước.

Bộ Tài chính đang đề xuất phạt 1,5 – 2 tỷ đồng đối với hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa, và đình chỉ hoạt động 3 – 5 tháng với tổ chức cung cấp dịch vụ vi phạm.

Các đơn vị dịch vụ tài sản mã hóa còn có thể bị phạt 300 triệu – 2 tỷ đồng nếu không xác minh danh tính nhà đầu tư, quảng cáo sai lệch, hoặc không tách bạch tài sản khách hàng với tự doanh.

Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ bị phạt 100 – 200 triệu đồng nếu không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa về lưu giữ, giao dịch tại tổ chức được cấp phép.

Rào cản pháp lý, công nghệ

Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng và triển khai một khung pháp lý đầy đủ để quản lý tài sản số tại Việt Nam, đặc biệt là chính sách thuế, là một nhiệm vụ không hề đơn giản.

Việt Nam cần một lộ trình cẩn trọng, vừa xây dựng hành lang pháp lý, vừa thử nghiệm các cơ chế quản lý linh hoạt, đồng thời phối hợp chặt chẽ với quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tránh tình trạng thị trường phát triển tự phát và khó kiểm soát.

TS. Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng một trong những rào cản lớn nhất là tính ẩn danh và phi tập trung của giao dịch. Các loại tiền mã hóa như Bitcoin hay Ethereum cho phép người dùng thực hiện giao dịch mà không cần tiết lộ danh tính thật, thông qua các ví điện tử chỉ được nhận diện bằng chuỗi ký tự.

Điều này khiến cơ quan thuế gần như không thể xác định chính xác ai là chủ sở hữu tài sản hoặc người có nghĩa vụ nộp thuế.

Trên thế giới, ngay cả những quốc gia có nền tảng pháp lý tiên tiến như Mỹ và EU vẫn phải vật lộn với vấn đề này, buộc các cơ quan quản lý như IRS (Mỹ) phải yêu cầu sàn giao dịch tập trung báo cáo dữ liệu khách hàng và phát triển công cụ phân tích blockchain để lần theo dòng tiền.

Đánh thuế tài sản số: Tiềm năng cao nhưng rào cản cũng lớn- Ảnh 2.
Pháp lý về tài sản số vẫn là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia. Ảnh minh hoạ.

Vấn đề kế tiếp là khoảng trống pháp lý. Việt Nam hiện chưa có một hệ thống luật rõ ràng để quản lý toàn diện các loại tài sản số, từ tiền mã hóa đến token chứng khoán (security token) hay NFT.

Dù việc sở hữu và mua bán tiền số không bị coi là hành vi bất hợp pháp, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã cấm sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán, tạo ra sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý.

Việc thiếu định nghĩa thống nhất và khung pháp lý cụ thể khiến các quy định về thuế khó có thể được triển khai đồng bộ. Ngay cả một số quốc gia tiên phong như Nhật Bản hay Singapore cũng mất nhiều năm để ban hành luật liên quan, đi kèm cơ chế thử nghiệm (sandbox) để quản lý rủi ro.

Khó khăn trong thực thi và tuân thủ cũng là vấn đề đáng chú ý. Việc tính thuế giao dịch tiền số không chỉ đơn giản là xác định giá mua và giá bán, mà còn phải xem xét các sự kiện như hoán đổi token giữa các blockchain, nhận phần thưởng staking hay airdrop – những khoản lợi tức không được thể hiện rõ trong giao dịch thông thường.

Ở Mỹ, cơ quan thuế đã phải xây dựng bộ quy tắc chi tiết để phân biệt đâu là thu nhập, đâu là lợi nhuận vốn (capital gains), nhưng ngay cả vậy vẫn vướng nhiều tranh cãi và khiếu nại từ nhà đầu tư.

Giao dịch xuyên biên giới và nguy cơ trốn thuế là thách thức lớn khác. Với tính chất toàn cầu, nhà đầu tư Việt Nam có thể dễ dàng mở tài khoản trên các sàn quốc tế như Binance, OKX hay Coinbase, hoặc giao dịch trực tiếp qua các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) không có trụ sở tại Việt Nam.

Nếu chính sách thuế chỉ áp dụng cho sàn trong nước, nguy cơ người dùng chuyển dòng vốn ra ngoài lãnh thổ để né thuế là rất cao. Một số quốc gia như Hàn Quốc và Úc đã buộc các sàn nước ngoài phải tuân thủ quy định báo cáo khách hàng tại quốc gia sở tại, song việc thực thi đòi hỏi năng lực hợp tác quốc tế và cơ sở pháp lý vững chắc.

Cuối cùng, năng lực công nghệ của cơ quan thuế vẫn là điểm yếu đáng lo ngại. Để quản lý hiệu quả, cần những hệ thống phân tích dữ liệu blockchain tiên tiến, có khả năng quét hàng triệu giao dịch và phát hiện dấu hiệu bất thường.

Trong khi đó, Việt Nam hiện mới chỉ bắt đầu xây dựng năng lực số cho các cơ quan quản lý tài chính. Ở nhiều quốc gia, chính phủ phải hợp tác với các công ty phân tích blockchain như Chainalysis hoặc Elliptic để theo dõi và xác định các hành vi rửa tiền hay trốn thuế.

Bạn đang đọc bài viết "Đánh" thuế tài sản số: Những bài toán vẫn cần lời giải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kinh tế tiêu dùng số: Thay đổi từ cú click chuột
Trong khoảng thời gian chưa đầy ba thập kỷ, thế giới đã chứng kiến một cuộc cách mạng thầm lặng nhưng mạnh mẽ, nơi mà những cú click chuột đơn giản đã biến đổi hoàn toàn cách thức con người tiêu dùng, mua sắm và tương tác với nền kinh tế toàn cầu.

Tin mới

Thị trường chứng khoán 23/7: Cổ phiếu vừa và nhỏ bứt phá, VN-Index giữ vững sắc xanh
Phiên giao dịch ngày 23/7 tiếp tục khép lại trong sắc xanh, nhưng đà tăng của chỉ số VN-Index đã có phần “hạ nhiệt” so với phiên bùng nổ trước đó. Dòng tiền thị trường có sự dịch chuyển rõ rệt, khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trở thành tâm điểm hút vốn thay vì các mã vốn hóa lớn.
Startup trà sữa: Nhượng quyền hay tự xây thương hiệu?
Trong bối cảnh thị trường trà sữa Việt Nam đang bùng nổ với giá trị hàng tỷ USD, những người có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực này thường đứng trước một lựa chọn quan trọng: tham gia mô hình nhượng quyền từ các thương hiệu đã có tên tuổi hay tự tay xây dựng một thương hiệu riêng từ con số không.