Đảm bảo cao tốc Bắc - Nam hoàn thành đúng tiến độ
Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra và làm việc về Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam trên địa bàn tỉnh Hậu Giang). Cùng đi theo đoàn có lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác đã trực tiếp đến công trường đang thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam tại nút IC5 Km 47+800 (thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) để thăm và tặng quà cho công nhân đang thi công tuyến cao tốc. Báo cáo với Thủ tướng, nhà thầu cho biết, khó khăn toàn tuyến cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau là nền đất yếu là phải chờ lún 10 - 12 tháng đó là khó khăn nhất về kỹ thuật.
Giai đoạn đầu, nguồn vật liệu chưa bố trí kịp nhưng hiện nay đã cơ bản bố trí được nguồn vật liệu. Nhà thầu sẽ phải tăng tốc, cấp tập thi công. Để tập trung thi công tuyến chính từ nay đến cuối tháng 10/2024 phải đưa thêm 10 triệu m3 cát mới đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Lượng cát này đã xác định được nguồn từ cát sông kể cả cát biển. Song, cát sông còn hạn chế công suất khai thác để đảm bảo không gây sạt lở cho nên hạn chế khối lượng đưa về hàng ngày.
Hiện các đơn vị chức năng đang phối hợp thực hiện bổ sung cát biển; và làm việc với các địa phương để bổ sung thêm nguồn đáp ứng công suất. Trong đó, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang làm thủ tục điều phối 1 phần nguồn cao tốc trục ngang cho trục dọc - vì trục dọc cuối năm 2025 hoàn thành tiến độ gấp hơn. Cơ bản đã triển khai đưa vật liệu 6 triệu m3 về công trường trên 18 triệu m3. Tập trung thi công 3 ca, 4 kíp từ nay đến ngày 31/10/2024 hoàn thành công tác gia tải toàn bộ tuyến chính. Làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo và phấn đấu để hoàn thành dự án ngày 31/12/2025.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, người dân đã nhường mặt bằng và người lao động tham gia dự án. Đồng thời, nhấn mạnh: Những kết quả đã đạt được trong triển khai dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thời gian qua là rất đáng trân trọng. Kết quả đạt được là nhờ nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các nhà thầu, tư vấn và nhân dân các vùng có dự án đi qua, cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường.
Thủ tướng yêu cầu không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được và “không bàn lùi, chỉ bàn làm” với cách làm, phương pháp khoa học, lộ trình, bước đi phù hợp, dứt khoát phải hoàn thành dự án chậm nhất vào ngày 31/12/2025. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng còn lại trong tháng 7/2024. Vấn đề nguyên vật liệu đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, có “đầu ra”, song phải tiếp tục điều phối, khai thác cho phù hợp, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.
Thủ tướng lưu ý các địa phương có đường cao tốc đi qua phải tận dụng và phát huy tốt nhất các nút giao thông kết nối với tuyến cao tốc tại địa phương để mang đến những hiệu quả kinh tế rõ nét, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Thủ tướng đề nghị: “Các địa phương trong vùng có dự án cao tốc đi qua phải huy động cả hệ thống chính trị tạo ra phong trào thi đua, chung tay cùng công nhân trên công trường để thực hiện dự án đúng tiến độ. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu từ thi công dự án đường dây 500kV Bắc – Nam. Đối với người dân trong vùng dự án, cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm, bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm sinh kế cho nhân dân, từ đó mới tạo hiệu quả tổng hợp của đường cao tốc”.
Về kiến nghị của nhà thầu và đơn vị thi công, tăng nguồn vật liệu đá phục vụ tuyến cao tốc. Thủ tướng chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ mời lãnh đạo tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, Đồng Nai (tại Đồng bằng sông Cửu Long có An Giang và Kiên Giang) tham dự cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 13/7, tại thành phố Cần Thơ để bàn giải pháp tăng công suất khai thác đá phục vụ các công trình trọng điểm trong vùng.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111km (trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang gần 38km; Hậu Giang - Cà Mau hơn 73km), đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Tổng mức đầu tư dự án là 27.523 tỷ đồng (Cần Thơ - Hậu Giang hơn 10.370 tỷ đồng; Hậu Giang - Cà Mau hơn 17.152 tỷ đồng).
Theo nhà thầu, hiện toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có 237 mũi thi công với 870 đầu thiết bị và 2.800 cán bộ kỹ sư đang tập trung cao độ trên công trường. Hiện có 117 cầu trên trục cao tốc đã triển khai đồng loạt, đã hoàn thành 70% khối lượng. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành hết các cầu trên trục cao tốc.