Đại hội nhiệm kỳ V (2023-2028) Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam thành công tốt đẹp
Sáng ngày 18/8/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam (Hiệp hội CTTC - tên viết tắt VILEA) đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ V (2023 - 2027) và bầu ra Ban chấp hành, Ban kiểm tra Hiệp hội.
Tại Đại hội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch VILREA nhiêm kỳ IV (2019 – 2023) cho biết trong suốt 30 năm qua, hoạt động cho thuê tài chính (CTTC) phát triển mạnh mẽ nhất trên thị trường có gần 20 công ty CTTC, nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ còn 10 công ty CTTC, bao gồm các công ty CTTC nhà nước, cổ phần, liên doanh và 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên hiện chỉ có 7 công ty CTTC là hội viên của VILEA (6 hội viên chính thức và 1 hội viên liên kết)
Báo cáo tại Đại hiện cho biết, mặc dù số lượng các công ty CTTC hiện tại rất khiêm tốn nhưng dư nợ cung cấp cho các khách hàng của các Công ty CTTC hội viên đối với nền kinh tế tính đến 36/6/2023 đạt trên 34,5 nghìn tỷ đồng (nếu tính cả các công ty CTTC có mặt trên thị trường thì dư nợ cho thuê đạt khoảng gần 40 ngàn tỷ đồng, bằng 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế). Chất lượng tín dụng của các công ty CTTC luôn được bảo dảm. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức trên dưới 1%.
Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, CTTC tăng trưởng phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân trên 20%, cao hơn mức bình quân tăng dư nợ toàn ngành ngân hàng, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu trên 200%, chỉ số lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu (ROE) đều trên 10%..
Tính đến nay, Hiệp hội CTTC Việt Nam đã có 7 thành viên chính thức là các công ty CTTC 100% vốn Nhà nước. Quá trình hoạt động Hiệp hội đã làm tốt vai trò chức năng cầu nối với cơ quan quản lý, góp ý phản biện, kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách,…
Một là, Hiệp hội đã chủ động đóng góp đầy đủ các ý kiến trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản thông tư của NHNN có liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTC) nói chung và lĩnh vực CTTC nói riêng. Bên cạnh đó, Hiệp hội chủ động tham gia các đợt lấy ý kiến góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Hai là, Hiệp hội chủ động tập hợp ý kiến của các Hội viên để có văn bản kiến nghị các Bộ ngành tháo gỡ những bất cập, xung đột pháp lý từ các văn bản quy pháp pháp luật, như quy định tỷ lệ chi trả trong 30 ngày; hóa đơn điện tử, thuế VAT trong dịch vụ CTTC, hoàn thuế khi mua tài sản trong nước cho thuê vào khu chế xuất; cấp biển số xe nền màu vàng/trắng theo Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an. Cơ bản các ý kiến đều đã được cơ quan quản lý tiếp nhận xử lý nhưng cũng có một số vướng mắc chưa được xử lý.
Ba là, Hiệp hội đã chủ động phối hợp với Hiệp hội bạn, các tổ chức quốc tế (WWF, FFV) hỗ trợ việc hội thảo các xu hướng phát triển xanh, bền vững, quản trị kinh doanh có trách nhiệm,…
Cũng trong Đại hội, các ý kiến đều cho rằng hạn chế lớn nhất của các Công ty CTTC hiện nay là dư nợ CTTC rất khiêm tốn (mới chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), trong khi tín dụng trung và dài hạn đang là gánh nặng của các ngân hàng thương mại mà lĩnh vực CTTC chưa san sẻ được.
Cùng với đó, số lượng Công ty CTTC còn ít, sản phẩm dịch vụ tài chính được phép hoạt động còn bị bó hẹp…
Đặc biệt, nhiều loại phí về dịch vụ tín dụng trong hoạt động CTTC- cũng là hoạt động cấp tín dụng nhưng chưa được phép thu hoặc chưa được phép cung ứng, vì vậy thu nhập của các công ty hội viên vẫn chỉ trông chờ duy nhất vào hoạt động cấp tín dụng bằng tài sản dẫn đến rủi ro về thu nhập khá cao…
Ngoài nguyên nhân khách quan như CTTC là lĩnh vực khá đặc thù trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là những vướng mắc trong quy định của pháp luật chưa được tháo gỡ, nguyên nhân chủ quan được chỉ ra là trong quá trình hoạt động các công ty CTTC còn hạn chế nhất định, chưa năng động và sáng tạo, chưa mạnh dạn đề xuất các đề án, dự án để xin phép cơ quan quản lý cho phép triển khai thai thí điểm để từ đó có hành lang pháp lý chính thức cho các sản phẩm, dịch vụ mới.
Bên cạnh đó trong các công ty CTTC cũng có đơn vị hoạt động yếu kém, rủi ro phải giải thể hoặc chuyển đổi mà nguyên nhân chính là từ yếu tố quản trị và rủi ro đạo đức dẫn đến những ghi ngại từ cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí có sản phẩm cho thuê khá hiệu quả như tàu vận tải đã bị cấm cho thuê.
Bên cạnh đó, Đại hội đã bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Trưởng Ban kiểm tra và Ủy viên Ban Chấp hành. Theo đó, ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CTTC BIDV SuMi - Trust giữ chức Chủ tịch; Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty CTTC Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch; Ông Nguyễn Trung Hà, Chủ tịch HĐTV Công ty CTTC Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giữ chức Trưởng Ban Kiểm tra; Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký nhiệm kỳ IV tiếp tục được bầu giữ chức Tổng thư ký nhiệm kỳ V; Ông Lưu Huỳnh, Chủ tịch HĐTV Công ty CTTC Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành.
Theo đó, Công ty CTTC BIDV SuMi-Trust giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội – Người đại diện hiện tại là ông Nguyễn Thiều Sơn Tổng Giám đốc Công ty;
Công ty CTTC Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, giữ vai trò Phó CT VILEA – Người đại diện hiện tại là ông Nguyễn Tuấn Anh Chủ tịch HĐTV Công ty;
Công ty CTTC Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, giữ vai trò Trưởng Ban Kiểm tra VILEA – Người đại diện hiện tại là ông Nguyễn Trung Hà Chủ tịch HĐTV Công ty;
Văn phòng VILEA, giữ vai trò Tổng thư ký – Người đại diện là ông Phạm Xuân Hòe;
Công ty CTTC Ngân hàng Sacombank giữ vai trò Ủy viên Ban chấp hành VILEA– Người đại diện hiện tại là ông Lưu Huỳnh, Chủ tịch HĐTV Công ty.
Các đại biểu cũng đã thống nhất và thông qua phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V (2023 - 2027). Cụ thể, Hiệp hội sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án phát triển phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của Hiệp hội. Đồng thời xây dựng tiếng nói chung thống nhất của Hiệp hội trong việc đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực CTTC tại Việt Nam; Thực hiện tốt vai trò, chức năng cầu nối, tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên trong việc báo cáo, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, nhằm tạo điều kiện để hoạt động CTTC phát triển an toàn, hiệu quả, qua đó góp phần thực thi chính sách tiền tệ - tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Tổ chức nhiều cuộc thảo luận chuyên đề về hành lang pháp lý, đẩy mạnh công tác nghiên cứu pháp luật và nghiệp vụ, hỗ trợ Hội viên trong hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên; Tích cực triển khai công tác truyền thông để xã hội và công chúng hiểu biết nhiều hơn về CTTC thông qua website Hiệp hội CTTC Việt Nam, tạo kênh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và trao đổi thông tin về hoạt động CTTC tại Việt Nam; Tổ chức một số đoàn đi khảo sát nghiệp vụ tại nước ngoài theo nhu cầu của Hội viên (nếu có); Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm và giao lưu Hội viên nhằm thảo luận và thống nhất nhận thức về các vấn đề liên quan đến Hiệp hội và hoạt động của các Công ty CTTC Hội viên. Trao đổi thông tin, tham khảo kinh nghiệm và tăng cường sự gắn kết hệ thống.
Có thể nói rằng, sau 30 năm kể từ ngày công ty CTTC đầu tiên được NHNN cấp phép, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực CTTC cơ bản đã được định hình, gồm Luật các TCTD từ điều 112 đến điều 116, Nghị định 39/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của NHNN về quản trị điều hành, về kiểm soát, về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động; chuẩn mực kế toán (06 - tiêu chuẩn kế toán Việt Nam) đối với tài sản CTTC; chính sách thuế, phí đối cấp đối tượng cho thuê tài chính cùng các quy định liên quan đến từ các Bộ, ngành đã từng bước kiến tạo môi trường kinh doanh để CTTC có bước phát triển, mở ra khả năng tiếp cận vốn trung dài hạn từ kênh CTTC của doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong nền kinh tế.
Do đó, ý nghĩa rất lớn của CTTC là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn rất tốt cho doanh nghiệp và hộ dân, nhất là các SME. Khi đi thuê tài chính, các doanh nghiệp, hộ dân không phải thế chấp tài sản. Giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản. Hàng ngàn khách hàng được hỗ trợ về tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây truyền sản xuất, bên cạnh đó một số công ty hội viên còn cho vay bổ sung vốn lưu động đối với khách hàng thuê.
Tiến Hoàng