0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ năm, 18/01/2024 17:16 (GMT+7)

'Đãi cát tìm vàng' - nhận diện chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024

Theo dõi KT&TD trên

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng bước sang năm 2024, TTCK có thể tiếp tục tăng điểm với nhiều gam màu tươi sáng. Tuy nhiên, việc lựa chọn cơ hội đầu tư trên thị trường sẽ không dễ dàng khi bối cảnh chung vẫn còn nhiều khó khăn đan xen.

Câu chuyện hồi phục so với nền thấp cùng kỳ

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong 9 tháng đầu năm 2023, đa số nhóm ngành có lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm ngành có mức độ sụt giảm lợi nhuận lớn nhất bao gồm: Bán lẻ (-84%); Hóa chất (-69%); Tài nguyên cơ bản (-66%).

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024

Ở chiều ngược lại, chỉ có số ít các nhóm ngành vẫn duy trì được lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ như Bảo hiểm (+43%); Dược phẩm và y tế (+18%); Dịch vụ tài chính (+17%). Xét toàn thị trường, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm khoảng 14% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023.

Mặc dù vậy, sau khi tạo đáy trong quý 4/2022, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đã có sự phục hồi qua từng quý. Agriseco kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường có thể lấy lại tăng trưởng dương so với cùng kỳ kể từ quý 4/2023.

Trước tiên, Agriseco nhắc đến sự khởi sắc trở lại của nhóm ngành xuất khẩu sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Các bạn hàng, đối tác thương mại chính như Mỹ, EU, Trung Quốc đều phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhu cầu đơn hàng sụt giảm ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch xuất khẩu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD (-4,6% so với năm trước). Mặc dù vẫn sụt giảm so với cùng kỳ nhưng kim ngạch xuất khẩu các tháng gần đây đã có sự cải thiện. Giá trị xuất khẩu của một số nhóm ngành hàng sau khi chạm đáy trong quý 1/2023 đã liên tục phục hồi có thể kể đến như thủy sản, dệt may, gỗ & các sản phẩm từ gỗ.

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024
Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

Bước sang năm 2024, Agriseco Research kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi trên mức nền thấp của cùng kỳ 2023. Các nhóm ngành hàng xuất khẩu tiềm năng phục hồi có thể kể đến như: Thủy sản, dệt may, xơ – sợi, gỗ & các sản phẩm từ gỗ. Các cổ phiếu tiềm năng trong ngành là: VHC, FMC, PTB, MSH.

Với ngành thép, trong năm 2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép đã bước đầu phục hồi, nhiều doanh nghiệp thép đã thoát khỏi tính trạng thua lỗ nặng nề như cuối năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận của cả ngành còn rất khiêm tốn do thị trường đầu ra quan trọng nhất là thị trường BDS trong nước còn đang gặp nhiều khó khăn.

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024
Lợi nhuận ngành thép đã sụt giảm mạnh và tạo đáy vào quý 3, quý 4/2022

Giá thép HRC hiện tại đã phục hồi khoảng 60% từ mức đáy năm 2023 và cao hơn khoảng 30% so với mức giá bình quân trong năm vừa qua. Tương tự, giá thép thanh cũng đã phục hồi và tăng khoảng 10% so với mức đáy trong năm 2023. Theo World Steel, nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2024 có thể tiếp tục phục hồi nhờ kỳ vọng thị trường BDS Trung Quốc ấm dần lên trong bối cảnh tồn kho thép đang giảm xuống mức thấp.

Đặc biệt, ngành thép sẽ hưởng lợi từ thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Nhìn lại giai đoạn 2018-2023, con số giải ngân đầu tư công qua các năm liên tục tăng, thể hiện tầm quan trọng của đầu tư công và sự quan tâm của Chính phủ tới việc phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tổng cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi từ cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, hiện nay, thị trường BĐS vẫn còn khá trầm lắng tuy nhiên một số phân khúc có nhu cầu thực đã bắt đầu có những tín hiệu ấm dần lên có thể kể đến như phân khúc nhà phố, chung cư. Đây là các phân khúc luôn tồn tại nhu cầu thật trong khi hiện tại nguồn cung mới rất hạn chế. Qua đó thị trường BĐS có thể phục hồi trước ở phân khúc này và là chất xúc tác cho sự phục hồi của ngành thép.

Ngành bán lẻ còn nhiều dư địa trong trung dài hạn: Mặc dù năm 2023 còn nhiều khó khăn với ngành bán lẻ nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng 9,6% so với năm trước. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng bình quân trên 10% trong giai đoạn trước đó nhưng vẫn là mức ấn tượng. Ngành bán lẻ ở Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển trong trung dài hạn nhờ Việt Nam duy trì là quốc gia tăng trưởng hàng đầu khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, ngành bán lẻ ở Việt Nam còn phân mảnh, các nhà bán lẻ lớn còn nhiều dư địa để chiếm thị phần từ các trợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ.

Câu chuyện hưởng lợi chính sách

Theo nhận định của Agriseco, ngành Cao su, Nông nghiệp với cái cổ phiếu tiềm năng như GVR, PHR, DPR sẽ hưởng lợi từ chính sách liên quan tới môi trường, cụ thể là tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi. Hiện nay, các vấn đề môi trường đang rất được thế giới quan tâm. Các quốc gia sẽ có hạn ngạch về lượng khí thải xả thải ra môi trường, nếu sử dụng hết hạn ngạch đó sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon từ những quốc gia khác. Từ đó sẽ hình thành một thị trường mua bán tín chỉ carbon.

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024
Nhu cầu tất yếu của tín chỉ carbon tạo cơ hội cho ngành cao su, nông nghiệp

Tín chỉ carbon sẽ được phân bổ dựa trên lượng CO2 hấp thụ bởi diện tích rừng, các quốc gia hay doanh nghiệp sở hữu nhiều rừng sẽ có lợi thế trong việc được phân bổ tín chỉ carbon. Theo ước tính của Carbon Credits, thị trường tín chỉ carbon đến năm 2030 sẽ có quy mô 10-25 tỷ USD và đến năm 2040 sẽ có quy mô 40- 115 tỷ USD.

Quy hoạch điện VIII đã thay đổi cơ cấu nguồn điện, tập trung vào các nguồn điện sạch, có thể tái tạo. Đến năm 2030, đưa cơ cấu điện than về mức 20% và nâng tỷ trọng điện khí, điện gió, điện mặt trời lên đến 53% trong tổng cơ cấu nguồn điện. Xa hơn nữa đến năm 2050, tổng công suất điện than được đưa về 0, các nguồn điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời tiếp tục được đẩy mạnh.

Theo quy hoạch điện VII, tổng mức đầu tư giai đoạn 2021 – 2030 đạt 124 tỷ USD. Theo quy hoạch điện VIII, tổng mức đầu tư cho hạ tầng điện đã gia tăng đáng kể. Cụ thể giai đoạn 2021 – 2030 đạt 135 tỷ USD và giai đoạn 2031 – 2050 đạt 400 tỷ USD.

Ngành hưởng lợi từ chính sách này là nhóm công ty tư vấn và xây dựng hạ tầng điện. Các cổ phiếu tiềm năng: TV2, PC1.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hưởng lợi từ Luật chăn nuôi. Cụ thể, Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Như vậy, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời. Theo quy định, các địa phương có 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, tức là đến ngày 1/1/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi sẽ phải di dời.

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024
Thị phần chăn nuôi từ hộ nhỏ lẻ sẽ chuyển sang các doanh nghiệp lớn hoàn thiện chuỗi giá trị

Tuy nhiên, thực tế việc di dời khó triển khai. Nhiều hộ sẽ phải bỏ nghề do việc di dời không khả thi. Bộ NN và PTNT đã có dự thảo để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi di dời nhưng đến hiện tại vẫn chưa được thông qua.

Kéo theo đó là xu hướng thị phần từ hộ nhỏ lẻ sẽ chuyển sang các DN lớn hoàn thiện chuỗi giá trị (giống xu hướng của các quốc gia phát triển – Mỹ, Nga). Khi các DN lớn chiếm thị phần lớn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thao túng giá trên thị trường để đạt được lợi ích của các bên chi phối.

Câu chuyện nương theo dòng tiền

Mặt bằng lãi suất thấp thu hút dòng tiền vào kênh chứng khoán: Với mặt bằng lãi suất thấp và tình trạng dư thừa thanh khoản như hiện tại, thị trường có thể xuất hiện một số nhịp tăng được dẫn dắt bởi dòng tiền đầu cơ.

Cổ phiếu các nhóm ngành có beta cao, thanh khoản tốt, hấp dẫn khối ngoại và quy mô liên tục tăng trưởng: Để hấp thụ được dòng tiền đầu cơ đổ vào thị trường, các nhóm ngành có beta cao như ngân hàng, chứng khoán có thể sẽ được hưởng lợi và thu hút dòng tiền trong các nhịp tăng ngắn hạn. Hiện nay, cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán có quy mô thanh khoản chiếm gần ½ giá trị giao dịch toàn thị trường và có quy mô vốn hóa chiếm khoảng 45% toàn thị trường. Đây cũng là 2 ngành còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và luôn thu hút dòng tiền khối ngoại.

Là các nhóm ngành trong chủ đề đầu tư nương theo dòng tiền thị trường, nhưng ngành ngân hàng và chứng khoán đều có câu chuyện đầu tư riêng cho năm 2024 và dài hạn.

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024
Định giá ngành ngân hàng đang thấp hơn trung bình quá khứ

Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng 15% cho các Ngân hàng thương mại và đây cũng là mức cao hơn so với tăng trưởng tín dụng thực tế năm 2023. Nền kinh tế năm 2024 được kỳ vọng khởi sắc hơn cũng sẽ là động lực để tăng trưởng tín dụng cải thiện hơn trong năm nay.

Trong năm 2023, NIM toàn ngành giảm nhẹ xuống mức 3,2% trong Q4.2023 nhưng vẫn cao hơn so với mặt bằng 2020-2021. Bước sang năm 2024, NIM kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ tín dụng phục hồi dần và COF của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp trong môi trường lãi suất huy động giảm sâu.

Thời điểm hiện tại, ngành ngân hàng đang có định giá P/B (1,48x) thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2015-2023 (1,54x). Các cổ phiếu tiềm năng bao gồm: STB, MBB, BID.

Đối với ngành chứng khoán, hệ thống giao dịch KRX kỳ vọng giúp thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện và là tiền đề để TTCK Việt Nam phát triển đa dạng thêm sản phẩm, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường. Hiện nay, GTGD/vốn hóa TTCK Việt Nam đang thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Qua đó có thể thấy thanh khoản thị trường còn nhiều dư địa để cải thiện.

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024
Điểm số và thanh khoản thị trường đều có sự cải thiện trong năm 2023

Nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút một lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư ngoại. Ngoài ra, quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa TTCK Việt Nam phát triển cả về chất và lượng, tiến gần hơn tới chuẩn quốc tế.

Trong 5 năm vừa qua, các CTCK đã liên tục tăng vốn, đưa quy mô tăng gấp 3 lần. Qua đó, các CTCK sẽ có thêm nguồn lực để tăng trưởng trong các mảng kinh doanh chính như cho vay. Các cổ phiếu chứng khoán tiềm năng theo Agriseco sẽ là SSI và HCM.

Các ngành có câu chuyện đầu tư riêng

Các cổ phiếu tiềm năng ngành công nghệ thông tin như FPT, CTR sẽ hưởng lợi từ chi tiêu công nghệ tiếp tục tăng trưởng và xu hướng chuyển đổi số toàn cầu: Theo IDC, dự kiến năm 2024, chi tiêu cho mảng phần mềm và dịch vụ CNTT tăng trưởng lần lượt 14% và 10%, thúc đẩy bởi việc tăng giá và tăng mức sử dụng các dịch vụ Bảo mật thông tin, Cloud. Chi tiêu cho chuyển đổi số dự báo tăng trưởng kép 16% giai đoạn 2022 – 2026; Các công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số Cloud, Bigdata, AI, Blockchain, IoT cũng được dự báo tăng trưởng 20% giai đoạn 2022 – 2026.

Việt Nam tiếp tục duy trì thế mạnh về cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng Internet cao; tăng trưởng kinh tế ổn định; sự hỗ trợ của Chính phủ trong phát triển kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng chuyển đổi số tại Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm gần đây với tốc độ 20-40%, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Kinh tế số đã đóng góp khoảng hơn 16% vào GDP 2023 với 55/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Làn sóng chuyển đổi số đã lan rộng trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng dành 10 nghìn tỷ đồng trong Chương trình phục hồi, phát triển KTXH cho phát triển hạ tầng số.

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024
Ngành công nghệ thông tin hưởng lợi từ chi tiêu công nghệ tiếp tục tăng trưởng và xu hướng chuyển đổi số toàn cầu.

Trong chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, chuyển đổi số sẽ dựa trên ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP, mạng internet cáp quang phủ sóng 80-100% cả nước, phổ cập dịch vụ mạng 4G/5G và điện thoại thông minh, phát triển chính phủ số với mục tiêu chuyển đổi số 80% dịch vụ công, 90% hồ sơ công việc, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cuối cùng, Agriseco chỉ ra các cổ phiếu ngành dầu khí tiềm năng là PVD, PVS. Mặc dù đang trong xu hướng giảm từ mức đỉnh năm 2023, giá dầu vẫn được kỳ vọng sẽ neo ở mức cao trong năm 2024 bởi nhóm các quốc gia OPEC+ cắt giảm sản lượng.

Đãi cát tìm vàng chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024
Giá dầu kỳ vọng neo ở mức cao trong năm 2024

Các yếu tố bất định về địa chính trị tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới nguồn cung dầu. Theo dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới, giá dầu bình quân trong năm 2024 có thể đạt khoảng 86 USD/thùng, tương ứng với mức tăng khoảng 10% so với hiện tại. Với mặt bằng giá dầu như vậy, nhu cầu đầu tư tái khởi động lại các dự án thượng nguồn vẫn sẽ rất lớn trong năm 2024.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết 'Đãi cát tìm vàng' - nhận diện chủ đề và cơ hội đầu tư trong năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.