0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 10/03/2025 20:11 (GMT+7)

Công nhân mong mỏi được tăng lương

Theo dõi KT&TD trên

Tiền lương là mối quan tâm hàng đầu của công nhân, người lao động (NLĐ) khi đi làm. Đặc biệt, trong điều kiện giá cả tiêu dùng đắt đỏ, chi phí sinh hoạt nhiều, công nhân, người lao động (NLĐ) càng mong mỏi được tăng lương để trang trải cuộc sống và có một chút tích lũy.

Chi tiêu tằn tiện

Hơn chục năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), hiện nay, chị Nguyễn Thị Nga (quê Thanh Hóa) đạt mức lương 8,9 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng làm công nhân ở khu công nghiệp này với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

So với những người làm ruộng ở quê, tổng thu nhập xấp xỉ 20 triệu đồng của vợ chồng chị Nga được xem là cao. Thế nhưng: “Chúng tôi cũng phải chi tiêu tằn tiện thì mới đủ trang trải cuộc sống”- chị Nga cho biết. Theo tính toán của chị Nga, tiền thuê nhà, điện nước mỗi tháng là 2,5 triệu đồng. Hai con nhỏ đang tuổi nhà trẻ, mẫu giáo của anh chị phải gửi trường tư, lại phải thuê người trông thêm ngoài giờ do anh chị thường xuyên tăng ca, nên chi phí cho hai cháu tốn gần chục triệu đồng, đấy là chưa kể tiền sữa, tiền thuốc thang lúc con đau ốm, và tiền ăn uống, sinh hoạt phí của cả gia đình.

“Vợ chồng bảo nhau phải dành dụm, tiết kiệm mới có cơ hội mua nhà, thay đổi cuộc sống, nhưng cứ đà chi tiêu như hiện nay, thì không biết khi nào mới tích lũy được. Giờ chúng tôi chỉ mong được tăng lương, có thêm điều kiện trang trải cuộc sống và có chút tích lũy”- chị Nga nói.

Chật vật hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hà - công nhân một doanh nghiệp may mặc đóng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Với mức lương 4.410.000 đồng/tháng (vùng II – PV), cộng làm thêm giờ, tiền ăn ca, tổng thu nhập mỗi tháng của chị Hà cũng chỉ được xấp xỉ 7 triệu đồng.

Công nhân mong mỏi được tăng lương
Tăng lương sẽ góp phần tạo động lực cho người lao động hăng say lao động sản xuất, từ đó tăng năng suất lao động. Ảnh minh họa.

“Chồng tôi là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, nên kinh tế gia đình trông cả vào đồng lương công nhân của tôi. Cũng may, tôi làm ở gần nhà, cộng thêm việc vẫn chăn nuôi, cấy lúa, nên cuộc sống không đến nỗi nào. Tuy nhiên, nếu chẳng may con cái hay bản thân ốm đau là tháng đó phải đi vay mượn mới có đủ tiền để trang trải” - chị Hà tâm sự.

“Giờ chúng tôi chỉ mong được tăng lương, tăng thêm thu nhập để cuộc sống bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong, cùng với việc tăng lương, Nhà nước có chính sách điều tiết để chi phí sinh hoạt không tăng theo, chứ mỗi tháng lương tăng thêm khoảng 1 triệu đồng, mà phí sinh hoạt cũng tăng tương ứng, thì việc tăng lương cũng không có nhiều ý nghĩa”- chị Hà nói.

Hiện nay, đối với NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp, mức lương tối thiểu vùng được quy định chi tiết tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP (Nghị định 74). Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường, đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình. Đây là sàn thấp nhất để bảo vệ NLĐ yếu thế, đồng thời, đây cũng là cơ sở để thương lượng tiền lương. Mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 74, được chia thành các vùng, với các mức khác nhau, thấp nhất là 3.450.000 đồng/tháng (vùng IV), cao nhất là 4.960.000 đồng/tháng (vùng I).

Theo khảo sát của Hội đồng Tiền lương quốc gia, tiền lương tối thiểu vùng thay đổi chậm so với tốc độ tăng giá tiêu dùng. Tại nhiều địa phương, giá cả tăng cao, trong khi tiền lương tối thiểu vùng chậm được điều chỉnh, mức điều chỉnh thấp (năm 2024 tăng khoảng 200 nghìn đồng), do đó, NLĐ kiến nghị Nhà nước cần xem xét nâng mức lương theo vùng cao hơn để đảm bảo mức lương tối thiểu hợp lý cho NLĐ, để NLĐ có thể trang trải cuộc sống.

Cần thiết tăng lương tối thiểu vùng

Để có cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia, từ tháng 8/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) đã có Quyết định số 1225/QĐ-BLĐTBXH về việc điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp.

Công nhân mong mỏi được tăng lương
Theo các chuyên gia, GDP năm 2025 tăng, thì có thể điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Ảnh minh họa.

Kết quả, theo báo cáo của các địa phương trong cả nước, tiền lương bình quân năm 2024 của NLĐ ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023. Trong đó, NLĐ làm việc tại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có tiền lương bình quân năm 2024 cao nhất là 10,91 triệu đồng/tháng. NLĐ làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương bình quân năm 2024 là 9,28 triệu đồng/tháng. NLĐ làm việc tại doanh nghiệp dân doanh có tiền lương bình quân năm 2024 là 8,1 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với báo chí về phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2025, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp tình hình việc làm, thu nhập để phục vụ cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Nguyện vọng của NLĐ là tăng lương tối thiểu.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương tối thiểu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có những yếu tố chuyên sâu đòi hỏi phải có sự tham gia, thống nhất của nhiều cơ quan, trong đó có đại diện tiếng nói của các chủ sử dụng lao động. Cũng theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua khảo sát ban đầu, phần lớn NLĐ mong muốn được tăng lương tối thiểu. So với nhu cầu thực tế và mức sống hiện tại, NLĐ rất mong mức lương tối thiểu vùng năm 2025 được điều chỉnh tăng để đảm bảo cuộc sống.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tràng Huy - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV sản xuất TMVA cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu là cần thiết. Các doanh nghiệp có thể tăng lương tối thiểu vài phần trăm cho NLĐ. Khi đời sống công nhân ổn định, thì họ không “nhảy việc” từ doanh nghiệp này sang công ty khác. Hơn nữa, thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức khu vực Nhà nước được tăng lương thì năm nay NLĐ trong doanh nghiệp cũng cần được tăng lương tối thiểu để không bị chênh lệch nhiều.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về chính sách an sinh xã hội liên quan đến đời sống NLĐ, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Nội vụ cho rằng, năm 2025, dự kiến tốc độ GDP của đất nước đạt 8%, mức cao hơn so với năm 2024 là 6,8% thì có thể điều chỉnh tăng lương tối thiểu lên một chút. Vì thế, cần tăng cường vai trò của 3 bên là đại diện người sử dụng lao động, đại diện NLĐ và Nhà nước trong việc đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2025.

Theo các chuyên gia lao động, để điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2025 bao nhiêu phần trăm thì Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cần tính toán nhu cầu mức sống tối thiểu của NLĐ tương ứng với bao nhiêu tiền. Nếu nhu cầu mức sống tối thiểu của NLĐ năm 2025 tăng hơn so với năm 2024, do yếu tố trượt giá, tăng năng suất lao động thì sẽ tính ra được mức tăng lương tối thiểu năm 2025.

Bạn đang đọc bài viết Công nhân mong mỏi được tăng lương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Quỹ Nhà ở Quốc gia “tiếp nguồn hy vọng” cho người thu nhập thấp
Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu, rà soát để đề xuất giải pháp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Và đến nay, Bộ Xây dựng đã chủ động giao đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu từ các kinh nghiệm quốc tế, rà soát các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất giải pháp triển khai.

Tin mới

Khám phá menu đồ uống của Katinat Saigon Kafe
Katinat Saigon Kafe - Thương hiệu cà phê nổi bật tại TP.HCM chinh phục khách hàng với menu đa dạng hơn 40 loại thức uống độc đáo. Từ cà phê đậm đà, trà trái cây tươi mát đến các món đá xay hấp dẫn, mỗi thức uống đều mang đến trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Sự đa dạng hóa của thị trường đồ uống Việt
Thị trường đồ uống Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng thầm lặng mà không phải ai cũng nhận ra. Cách đây vài thập kỷ, văn hóa thưởng thức đồ uống của người Việt chủ yếu gắn liền với những quán cóc ven đường hoặc các quán nước giải khát đơn giản.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra "điểm nghẽn" về phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM ​​​​​​​
Việc đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra, không đáp ứng được nhu cầu của người dân; các quỹ đất dành cho việc đầu tư NƠXH còn hạn hẹp, cơ chế để đầu tư còn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.