Cơ hội hợp tác sâu rộng giữa các doanh nghiệp trà Việt Nam và Đài Loan
Sáng ngày 21/10/2024, Hiệp hội chế biến chè Đài Loan và các doanh nghiệp chè Đài Loan có buổi tham quan, làm việc với Hiệp hội Chè Việt Nam cùng Tổng công ty Chè Việt Nam và các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực trà của Việt Nam.
Đây là cơ hội để các bên tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường chè giữa hai nước. Các bên đã có cơ hội thảo luận về các vấn đề liên quan đến sản xuất, chế biến, và xuất khẩu chè, cũng như khám phá các cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai.
Tham gia buổi làm việc có ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; ông Trần Văn Khang – Chủ tịch Hiệp hội chế biến Chè Đài Loan; ông Ngô Văn Cường – Thương vụ Việt Nam tại Đài Loan; ông Nghiêm Văn Thắng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam; ông Nguyễn Văn Quý – Giám đốc công ty TNHH Chè Á Châu cùng các doanh nghiệp chế biến, sản xuất chè của Việt Nam và Đài Loan.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 7 trên thế giới. Ngành chè nước ta có trên 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng, sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Hiện, cả nước có khoảng 130.000 ha chè các loại, năng suất bình quân đạt trên 77 tạ/ha; sản lượng chè đạt gần 824.000 tấn búp tươi. Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển của cây chè, Việt Nam có nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như: Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng. Đặc biệt, Việt Nam còn sở hữu gần 20 ngàn ha chè Shan rừng. Nhiều vùng chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao như: Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang, Tà Xùa (Sơn La)...
Theo ông Long, Việt Nam là một trong những thị trường cung cấp chè chính cho Đài Loan. Tính đến hết tháng 8/2024, xuất khẩu chè sang Đài Loan chiếm trên 10% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 9.769 tấn, tương đương 16,77 triệu USD, tăng 2,9% về lượng, tăng 7% kim ngạch so với cùng kỳ.
Hiện nay, đối thủ cạnh tranh chính mặt hàng chè của Việt Nam tại thị trường này là Sri Lanka (tỷ trọng chiếm 15%), Ấn Độ (tỷ trọng chiếm 10%), Indonesia (tỷ trọng chiếm 6%), Trung Quốc (tỷ trọng chỉ chiếm 1,5%).
Trong những năm gần đây, tỷ trọng chè Việt Nam tại thị trường này giảm, chỉ còn chiếm 56%, trước đó vào năm 2014 -2015, tỷ trọng chiếm gần 70% tổng lượng nhập khẩu chè của Đài Loan.
Ông Trần Văn Khang, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội chế biến Chè Đài Loan, đã bày tỏ sự tán dương và ghi nhận chất lượng của chè Việt Nam. Ông không chỉ đánh giá cao những sản phẩm chè từ Việt Nam mà còn bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, Đài Loan sẽ nhập khẩu nhiều sản phẩm chè hơn từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ông Khang cũng giải thích thêm về tình trạng giảm tỷ trọng nhập khẩu chè của Việt Nam, theo đó, năm 2015, Đài Loan sửa Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó nâng tiêu chuẩn về chè, điều này làm giảm rất lớn lượng trà Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan. Việc siết chặt các quy định nhập khẩu từ Đài Loan đã dẫn đến việc giảm lượng chè nhập khẩu so với các năm trước. Ông nhấn mạnh rằng Hiệp hội chế biến chè Đài Loan sẽ nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng nước họ để giải quyết vấn đề này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu chè từ Việt Nam trong tương lai. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đài Loan đối với việc duy trì và phát triển mối quan hệ thương mại với Việt Nam, đồng thời thể hiện cam kết của họ trong việc tìm ra giải pháp hợp lý để khôi phục mức nhập khẩu.
Nhân dịp này, Công ty TNHH Chè Á Châu và Tổng Công ty Chè Việt Nam đã có cơ hội giới thiệu cho các doanh nghiệp Đài Loan về những ưu điểm chất lượng của sản phẩm chè mà cả hai công ty cung cấp. Họ cam kết mang đến những sản phẩm chè chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường Đài Loan.
Các bên đều bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm về nhau và hợp tác sâu rộng trong tương lai, cùng nhau tạo nên một mạng lưới hợp tác bền vững, thúc đẩy sự phát triển chung trong ngành chế biến chè. Sự hợp tác này không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mà còn mở ra nhiều cơ hội thương mại và giao lưu văn hóa giữa hai bên.
Một số hình ảnh tại buổi lễ: