Chung tay cùng các nhà thầu bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay
Dịch bệnh Covid-19 làm cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều công trình, dự án ngừng hoạt động. Cùng với đó giá vật liệu tăng cao mà Nhà nước vẫn chưa có cơ chế bù giá, tình hình bất động sản đang đóng băng… đã làm cho các nhà thầu rơi vào tình trạng điêu đứng.
Để chủ động, chuyển trạng thái hoạt động để chắp nối, nắm bắt khó khăn, chia sẻ với doanh nghiệp, thông qua các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các cấp các ngành những biện pháp tháo gỡ khó khăn, chiều ngày 2/6, tại Đà Nẵng, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức họp Ban Chấp hành mở rộng để tổng kết đánh giá công tác hoạt động năm 2022 và triển khai công tác hoạt động năm 2023 của Hiệp hội đồng thời trao đổi cùng các nhà thầu bàn về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu trong giai đoạn hiện nay.
Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Hiệp hội vẫn luôn sát cánh, đồng hành chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp. Hiệp hội đã có những văn bản kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đề nghị sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn như giá thép tăng đột biến. Kiến nghị Chính phủ có quy định cụ thể cho áp dụng điều kiện bất khả kháng để điều chỉnh giá đối với các hợp đồng trọn gói, hướng dẫn cho phép điều chỉnh thời gian hợp đồng mà không có điều kiện với nhà thầu, bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, dừng thu BHXH 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ hay các chính sách giãn, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp hay đề nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các Sở Xây dựng địa phương cập nhật công bố kịp thời, chính xác giá vật liệu xây dựng để tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp thi công công trình sử dụng vốn Nhà nước. Các kiến nghị của Hiệp hội đã góp tiếng nói với Chính phủ để chỉ đạo Bộ Xây dựng làm văn bản hướng dẫn thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành Xây dựng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo về các vấn đề liên quan đến vướng mắc, rủi ro và các giải pháp kiến nghị của các nhà thầu. Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách về hợp đồng, thanh quyết toán, bất cập về thông báo giá, bù giá vật liệu tăng cao làm cơ sở kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ngành tháo gỡ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vướng mắc về định mức, đơn giá đang thi công các gói thầu công trình trọng điểm giao thông, trên cơ sở kiến nghị của 9 doanh nghiệp với 55 danh mục định mức cần soát xét, sửa đổi bổ sung gồm Vinaconex 19, Đạt Phương 17, Cienco 4 - 6, Trường Sơn 4 , Fecon 5, Thành An 5, Phục Hưng 1, Delta 1, Công ty 319 - 1, Bộ Xây dựng đã rà soát dự kiến sửa đổi 20 danh mục, bổ sung 16 danh mục.
Tháng 4 và 5 vừa qua, Hiệp hội cùng với Viện Kinh tế xây dựng đã tổ chức 2 đợt khảo sát tại gói thầu Xây lắp 3 - Quốc lộ 45 – công trường của Vinaconex cho các công tác ván khuôn dầm, lao dầm Super T, móng cấp phối đá răm và gia cố xi măng, công trình tại Hải phòng của Vinaconex và Fecon công tác cọc xi măng đất. Các định mức còn lại sẽ tiếp tục khảo sát theo lịch đã thống nhất theo kế hoạch với Bộ Xây dựng từ nay đến cuối năm.
Hiệp hội cũng có văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh chi phí tiền lương, giá ca máy trong đơn giá; các chi phí khác như chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thông báo giá các địa phương hàng tháng và sát giá thị trường để xác định giá gói thầu.
Về góp ý Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều khó khăn, vướng mắc của nhà thầu liên quan đến pháp luật xây dựng, Luật Đấu thầu, trong đó đặc biệt liên quan đến hợp đồng và thanh toán gói thầu. Vấn đề bất khả kháng không được làm rõ ở các văn bản luật hay xử lý bất khả kháng khi vật liệu tăng đột biến 40 - 45%, hay tình hình dịch COVID-19 làm thiệt hại đến nhà thầu, vấn đề thanh toán, điều chỉnh hợp đồng trọn gói… đặc biệt tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tràn lan dẫn đến tình trạng nhiều nhà thầu không còn vốn hoạt động có thể dẫn đến phá sản.
Bên cạnh đó, Hiệp hội tổ chức một số hội thảo về các vấn đề đang bức xúc cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số Hội thảo quan trọng được dư luận đánh giá cao, phải kể đến như Hội thảo về nợ đọng xây dựng cơ bản tổ chức tại Hà Nội; Hội thảo phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) để hoàn thiện trình Quốc hội. Hội thảo tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các nhà thầu chủ đề “Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho Nhà thầu xây dựng Việt Nam" tổ chức mới đây ngày 12/5/2023 phối hợp giữa Hiệp hội và Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC.
Trên cơ sở kết quả Hội thảo, có sự đóng góp của các hội viên, Hiệp hội đã có các văn bản kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành về các vấn đề quan trọng như: đảm bảo cung cấp vật liệu cho các gói thầu trong ngành Giao thông, bù giá đối với các trường hợp bất khả kháng cho các gói thầu trọn gói, cơ chế bảo lãnh thanh toán, thanh toán tiền giữ lại chờ quyết toán của chủ đầu tư...
Năm 2023 tiếp tục vẫn là năm tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, định hướng hoat động của Hiệp hội năm 2023 vẫn là chung sức và hỗ trợ doanh nghiệp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên hiệp hội để ổn định sản xuất phát triển. Để đạt được mục tiêu đó, năm 2023 Hiệp hội dự kiến tập trung vào một số hoạt động cụ thể sau: Thực hiện chức năng phản biện theo quy định pháp luật. Tiếp tục kiến nghị các cơ chế chính sách đang vướng mắc trong hoạt động xây dựng, đấu thầu cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như hợp đồng và tranh chấp hợp đồng xây dựng, bù giá và thanh toán hợp đồng. Kiến nghị với Nhà nước xây dựng cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư và giải quyết nợ đọng trong xây dựng. Cơ chế bảo hành và quyết toán hợp đồng....
Chung tay phối hợp hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc về định mức, đơn giá, chi phí xây dựng. Hỗ trợ các doanh nghiệp những vấn đề vướng mắc bất cập có liên quan đến định mức, đơn giá. Hiệp hội tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai chương trình liên quan đến sửa đổi bổ sung các định mức dự toán còn thiếu, định mức có nhưng lạc hậu không phù hợp… để cuối năm 2023 ban hành áp dụng lập đơn giá thanh toán. Tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh cơ chế xác định đơn giá tiền lương, giá ca máy mới phù hợp, cơ chế công bố giá vật liệu sát thị trường…
Tiếp tục xin ý kiến doanh nghiệp để kiến nghị với Bộ Xây dựng soát xét điều chỉnh bổ sung danh mục các định mức mới, các cơ chế kinh tế khác để Bộ nghiên cứu ban hành trong năm 2024. Hợp tác giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội để thực hiện các dự án lớn, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Để tạo công ăn việc làm vượt qua các giai đoạn khó khăn, Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với nhau liên danh giữa các doanh nghiệp lớn với nhau, doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ hơn, các doanh nghiệp chuyên biệt thông qua một Nghị quyết chung.
Tiếp nối kết quả hội thi thợ giỏi khu vực phía Bắc, Hiệp hội sẽ tổ chức Hội thi thợ giỏi ngành Xây dựng khu vực phía Nam dự kiến tổ chức vào quý III/2023 này. Hội thi sẽ do Hiệp hội các Nhà thầu Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức cho các doanh nghiệp khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn những vấn đề liên quan đến hoạt động chuyên môn, cơ chế chính sách ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong năm 2023 dự kiến phối hợp với Học viện Cán bộ Quản lý xây dựng và đô thị, Bộ xây dựng tổ chức khóa tập huấn chỉ huy trưởng công trình cho các chỉ huy trưởng, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật các đơn vị của Hiệp hội. Khóa tập huấn sẽ do các chuyên gia có kinh nghiệm thi công ở các tập đoàn lớn giới thiệu và tham quan thực tế công trường. Tổ chức các khóa tập huấn về cơ chế chính sách mới như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, các khóa chuyên sâu như đấu thầu qua mạng.
Nguyễn Nam