Chủ tịch EVN nói gì khi địa phương lo thiếu điện cho sản xuất?
Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An, tiến độ đầu tư công trình điện gặp vướng mắc ở một số địa phương, trong đó vướng mắc lớn nhất là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và giải phóng mặt bằng.
Ngày 20/12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và nhiệm vụ 2024 của Bộ Công Thương, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện còn 520ha đất công nghiệp, sẵn sàng đầy đủ hạ tầng nhưng lại thiếu hạ tầng điện.
Chẳng hạn, khu công nghiệp Nam Bắc Tiên Phong hiện có 50 MW trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp tại đây lên tới vài trăm MW cho sản xuất, kinh doanh. Hay trạm biến áp tại Khu công nghiệp Hải Hà Móng Cái đã sử dụng hết công suất, nên cần được nâng cấp.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc tăng năng lực cung ứng điện cho các khu công nghiệp hiện nay rất cấp bách, vì vậy ông đề nghị Bộ Công Thương và EVN quan tâm.
Không chỉ Quảng Ninh vấn đề trên cũng được nhiều địa phương có tiềm năng thu hút FDI như TP.HCM, Nghệ An... trăn trở.
Trước thực tế nêu trên, Chủ tịch HĐTV EVN Cho biết, tiến độ đầu tư công trình điện gặp vướng mắc ở một số địa phương, trong đó có Quảng Ninh. Vướng mắc lớn nhất là việc chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Do đó, ông An đề nghị địa phương hỗ trợ EVN, chủ đầu tư xử lý nhanh nhất vướng mắc của các công trình điện.
Ông Chủ tịch EVN cũng lưu ý, nếu địa phương có nhu cầu phát triển phụ tải tại các khu công nghiệp, thì cần báo sớm cho ngành điện để lên kế hoạch chuẩn bị, đầu tư sớm, bởi dự án điện cần nhiều thời gian đầu tư, hoàn thành.
Liên quan đến việc cung ứng điện, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu gần 306,26 tỷ kWh, trong đó mùa mưa chiếm 52%, còn lại mùa khô.
Điện than, thủy điện và turbin khí vẫn giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống quốc gia năm sau. Trong khi đó, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) được huy động theo nhu cầu sử dụng và khả năng hấp thụ của lưới điện.
Với phương án này, ông An cho hay, EVN đang chuẩn bị kịch bản tăng trưởng cao với GDP tăng từ 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng điện 9,4-9,8%.. Cùng với đó, EVN đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho 3 mùa khô để không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm 2023.
"EVN đang hoàn thành sửa chữa các nhà máy, tích nước các hồ thủy điện ở mức cao nhất", Chủ tịch EVN nói.
Tuy nhiên, theo ông An, hiện EVN chỉ chiếm gần 38% trong tổng cơ cấu nguồn điện, PVN là 8%, TKV khoảng 2%. Tức là, 52% nguồn điện phụ thuộc vào các chủ đầu tư nhà máy điện BOT, các nhà máy điện tư nhân.
Vì thế, EVN đề nghị Bộ Công Thương, các đơn vị bám sát kế hoạch cung ứng điện đã được phê duyệt để giữ độ tin cậy tối đa trong vận hành hệ thống.
Đối với giai đoạn cao điểm tiêu thụ điện vào cuối tháng 5, nửa đầu tháng 6, ông An nói việc thiếu điện cho thấy còn nhiều vấn đề. Các nguyên nhân đã được thanh tra Bộ Công Thương chỉ ra, kiểm điểm rút kinh nghiệm với cán bộ, lãnh đạo của EVN.
Để tăng cường cung ứng điện cho miền Bắc vào cao điểm tiêu thụ điện, Chủ tịch EVN cho biết ngành điện đang dốc toàn lực thực hiện công trình 500kV mạch 3 với tinh thần "chưa bao giờ có sự thần tốc như vậy". Ngoài ra, EVN cũng đặt mục tiêu đầu tư xây dựng với 102.000 tỷ đồng, khởi công đóng điện nhiều dự án.
Song song với đó, lãnh đạo EVN cũng đề nghị các địa phương thúc đẩy tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng thành thực chất, vì cường độ sử dụng điện, năng lượng của nền kinh tế vẫn ở mức cao.
"Đây là giải pháp tăng nguồn cung rẻ, tiết kiệm nhất cho nền kinh tế", Chủ tịch EVN nhấn mạnh.
H.A