0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 18/09/2024 11:44 (GMT+7)

Chủ động thích ứng để "vượt rào" xuất khẩu xanh vào EU

Theo dõi KT&TD trên

Nhiều chuyên gia nhận định, để "vượt rào" xuất khẩu xanh vào Liên minh châu Âu (EU), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải chủ động thích ứng với các chính sách xanh và xu hướng sản xuất các sản phẩm bền vững.

Chủ động thích ứng để
EU nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.

Những rào cản cần vượt qua

EU nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta (xếp theo thứ tự gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc). Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo (điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép…) nắm giữ kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Ngoài ra, những năm gần đây, nhóm nông sản cũng tăng mạnh.

Thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết, sau 4 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ tháng 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12-15%.

Đơn cử, riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%; nhập khẩu tăng khoảng 10%.

Chủ động thích ứng để
Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải chủ động thích ứng với các chính sách xanh của EU.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023.

Để thực hiện những nỗ lực về chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, EU đã ban hành nhiều chính sách xanh như: Quy định về chống phá rừng (EUDR), cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM); quy định về sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật; quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững; chỉ thị về tuyên bố xanh...

Những chính sách này có tác động rất lớn đến Việt Nam bởi doanh nghiệp Việt có nguy cơ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại thị trường này do đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc đáp ứng các chính sách xanh.

Liên quan tới quy định EUDR, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, quy định này đòi hỏi thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh sản phẩm không bị chặt phá rừng và hợp pháp, như tọa độ vị trí địa lý, số lượng, quốc gia sản xuất... Trước khi đưa sản phẩm vào thị trường EU, nhà nhập khẩu phải thực hiện thẩm định và chỉ những sản phẩm tuân thủ mới có thể được đưa vào thị trường EU.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), EUDR yêu cầu 100% sản phẩm phải có định vị GPS/polygon đến từng mảnh vườn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ này còn thấp, trong khi chi phí định vị lại cao. EUDR cũng yêu cầu truy xuất vật lý đến vườn trồng nhưng quy mô này ở nước ta lại nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi giá trị phức tạp với nhiều lớp trung gian; chi phí phát sinh lại lớn...

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Đức cho hay, quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ trung tuần tháng 7/2024. Quy định này tác động trực tiếp tới mặt hàng da giày - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này.

Kịp thời thích ứng

Những yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường mà các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải đối mặt đó vừa là thách thức vừa là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng sang các thị trường khác trên thế giới.

Chủ động thích ứng để
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt nếu tận dụng và trở thành bạn hàng thân thiết của châu Âu.

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, có nhiều thách thức do tác động của EUDR đến doanh nghiệp Việt Nam. Trước tiên là chi phí xuất khẩu sang EU có khả năng tăng do thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận EUDR. Điều này gây áp lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, hàng hoá của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng tuân thủ đầy đủ EUDR. Đồng thời, hạn chế năng lực truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. Trong đó, việc khó xác định vùng trồng hợp pháp ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và phân loại rủi ro vùng trồng của EU theo quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt nếu tận dụng và trở thành bạn hàng thân thiết của châu Âu. Sản phẩm tuân thủ yêu cầu về EUDR và có chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) sẽ làm tăng tính cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, mục tiêu của quy định EUDR được đề xuất nhắm vào những mặt hàng có tác động lớn đến nạn phá rừng và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng như cà phê, ca cao, đậu nành, dầu cọ, gia súc, gỗ và sản phẩm gỗ…

Vì vậy, theo ông Kiên, Việt Nam cần có một khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng của EU để các doanh nghiệp có thể tự tin xuất khẩu xanh sang thị trường này như: Xây dựng khung hợp tác công tư trong EUDR; tuyên truyền, vận động; các giải pháp kĩ thuật; xây dựng và vận hành cơ chế đối thoại và đàm phán với EU về EUDR và các quy định khác; huy động nguồn lực...

Huyền Nhi

Bạn đang đọc bài viết Chủ động thích ứng để "vượt rào" xuất khẩu xanh vào EU. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.