Cho doanh nghiệp vay tín chấp, các ngân hàng sợ “thả gà ra đuổi”
Mặc dù ngành ngân hàng than ế vốn, nhưng các ngân hàng cũng không mạo hiểm cho các doanh nghiệp vay tín chấp.
“Ngân hàng đổ vỡ thì cả nền kinh tế phải gánh chịu”
Mới đây ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu thực tế, doanh nghiệp rất muốn vay vốn nhưng không vay được. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp đang đề nghị ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp để dễ bề tiếp cận vốn.
Tuy nhiên trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng đã thừa nhận thà để tiền ế trong kho còn hơn “thả gà ra đuổi”.
Các chuyên gia cho rằng, vay tín chấp với doanh nghiệp là xu hướng văn minh, đã được thế giới triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, để yên tâm cho vay tín chấp, ngân hàng phải có các bộ đánh giá, xếp hạnh khách hàng.
Từ trước tới nay, các ngân hàng vẫn không ngừng thu thập thông tin để đánh giá khách hàng, như thông tin nộp thuế, thanh toán hóa đơn điện, nước, dòng tiền khách trong tài khoản ngân hàng và giữa các tài khoản của khách hàng ở các ngân hàng khác nhau. Thông tin càng đầy đủ, rõ ràng, ngân hàng càng yên tâm cho vay.
“Thực ra, các ngân hàng cũng bắt đầu, dần dần cho vay tín chấp. Các khách hàng có giao dịch lâu năm ở một tổ chức tín dụng, thì ngân hàng sẽ nới các điều kiện về tài sản đảm bảo với các điều kiện về mặt tín dụng, sẵn sàng nhận hàng tồn kho, sẵn sàng nhận khoản phải thu, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo cao hơn. Tại OCB, những khách hàng giao dịch một thời gian rồi, thì ngoài nhu cầu tín dụng thông thường của họ, chúng tôi sẵn sàng cho vay thêm khoảng 20% nhu cầu thông thường, mà không cần tài sản đảm bảo” - Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết.
Tuy nhiên, rất nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận, việc cho vay tín chấp với doanh nghiệp hiện nay chiếm tỷ lệ chưa nhiều. Nguyên nhân một phần là nền tảng thông tin, dữ liệu của khách hàng vẫn rất sơ khai, chưa được đồng nhất. Hơn nữa, tuy khẩu vị rủi ro của các ngân hàng là khác nhau, song cơ bản, việc cho vay phải tuân theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách Tín dụng, Ngân hàng Agribank cho hay, mọi thủ tục cho vay tại Agribank đều theo quy định pháp luật hiện hành, không đặt thêm bất kỳ thủ tục, điều kiện vay vốn nào. Cũng như OCB, Agribank ra quyết định cho vay trên cơ sở xếp hạng khách hàng. Thứ hạng của khách hàng dựa trên thông tin của khách hàng, chứ không phải do ngân hàng tạo ra. Vì vậy, để dễ tiếp cận tín dụng, các doanh nghiệp phải tự nỗ lực cải thiện hồ sơ của mình.
Đại diện một ngân hàng TMCP tư nhân lớn bức xúc: “Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, song mong doanh nghiệp cũng phải thấu hiểu ngân hàng. Nếu cho vay vô tội vạ, ngân hàng đổ vỡ vì nợ xấu, thì cả nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả”.
Nguyên nhân vẫn là sức hấp thụ nguồn vốn kém
Hiện nay doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, nhất là trong bối cảnh thị trường trái phiếu, cổ phiếu gặp khó khăn như thời qua. Các chuyên gia kỳ vọng, với các động thái quyết liệt của Chính phủ, cả hai thị trường này sẽ sớm phục hồi. Tuy vậy, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư là không đơn giản. Trước mắt, tín dụng vẫn là kênh tiếp cận vốn khả dĩ nhất với doanh nghiệp lúc này.
Trong khi đó, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất yếu, phương án kinh doanh mới không có, ngân hàng không có cơ sở để cho vay mới. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, việc mở rộng các kênh huy động vốn, đặc biệt qua thị trường chứng khoán, trái phiếu là những bài toán rất cấp bách.
“Thời gian qua, thị trường chứng khoán có nhiều trồi sụt và thị trường trái phiếu có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, dưới sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng, thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục minh bạch hóa hơn, các doanh nghiệp có kênh huy động vốn thực sự hiệu quả” –Ông Quý cho hay.
Việc doanh nghiệp ngày càng suy yếu là có thật, cầu vốn toàn nền kinh tế đang suy yếu cũng là có thật. Tuy nhiên, một thực tế khác đang tồn tại là nhiều thủ tục giải ngân của các ngân hàng và cả hướng dẫn của cơ quan nhà nước còn phức tạp, rối rắm, gây khó cho cả ngân hàng và khách hàng.
Đơn cử, trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nhiều hộ sản xuất cho hay, thế chấp vay vốn bằng đất nông nghiệp thường định giá thấp, tài sản trên đất có giá trị lớn (có những vườn sầu riêng giá trị hàng chục tỷ đồng) lại không đủ điều kiện làm tài sản bảo đảm khi vay, dẫn tới hạn mức vay thấp. Trong khi đó, ngân hàng rất muốn được cho vay cao, song không thể giải ngân do vướng các quy định hiện hành.
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu ngành ngân hàng phải kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp, sửa đổi ngay trong tháng 6/2023 để việc tiếp cận vốn thuận tiện hơn. Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vướng mắc về thủ tục hành chính của phía ngân hàng chỉ là nguyên nhân phụ. Nguyên nhân chính vẫn là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu.
Chính vì vậy, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tính toán liều lượng phù hợp trong huy động vốn để kích thích tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ.
Q.A