Cây nghiến Di sản - Tài sản vô giá của núi rừng Lâm Bình
Ở sâu trên những dãy núi cao của huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), nơi “trái tim” đại ngàn rừng nơi đây vẫn còn những thân gỗ nghiến cổ thụ nhiều người ôm không xuể. Đây là “báu vật” độc nhất vô nhị trên địa bàn Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.
Mỗi ngày cán bộ kiểm lâm và người dân địa phương sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ tài sản vô giá ấy.
Tờ mờ sáng, khi tiếng chim bắt đầu cất tiếng hót, mây còn vờn bảng lảng bên sườn những dãy núi hùng vĩ của núi rừng nơi huyện vùng cao Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Chúng tôi theo chân đoàn chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình di chuyển đến địa điểm tổ chức Ngày hội Văn hoá ẩm thực, du lịch sinh thái năm 2024 và công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây nghiến nghìn năm tuổi tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang).
Trong không khí tưng bừng, rộn ràng của Ngày hội Văn hoá ẩm thực, Du lịch sinh thái năm 2024, chính quyền và nhân dân nơi đây càng vui mừng và tự hào khi cây nghiến nghìn năm tuổi tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Vượt qua những con dốc cheo leo, thăm thẳm, trước mắt chúng tôi hiện ra cánh rừng xanh ngút mắt. Lâm Bình là địa phương có độ che phủ rừng xếp vào bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang cùng với huyện Na Hang.
Ở sâu trên những dãy núi cao của huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), nơi “trái tim” đại ngàn rừng nơi đây vẫn còn những thân gỗ nghiến cổ thụ nhiều người ôm không xuể.
Gỗ nghiến thuộc nhóm nhóm IIA, là loại gỗ tốt có tính cơ học cao, dai, bền, không mối mọt ngay cả khi chôn xuống đất. Loài gỗ này đều có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao và luôn được giới thượng lưu săn lùng, sở hữu. Chính vì vậy, đây cũng là loài gỗ mà lâm tặc luôn tìm cách khai thác trái phép.
Được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng gỗ nghiến luôn tự hào và nhận rõ trách nhiệm nặng nề đối với tập thể cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình. Địa bàn rộng, diện tích rừng trên núi cao, địa hình hiểm trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng nên Hạt đã thành lập các chốt trạm trong rừng để giữ rừng. Nhiều khi mấy tháng trời, cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng chẳng được về nhà vì đường đi cách trở, trong khi nhiệm vụ giữ rừng vẫn phải đảm bảo.
Bằng tấm lòng yêu rừng, giữ rừng của người dân nơi đây, hàng trăm gốc nghiến quý giá vẫn giữ nguyên vẹn.
Chính vì thế, bao đời nay, bằng tấm lòng yêu rừng, giữ rừng của người dân nơi đây, hàng trăm gốc nghiến quý giá vẫn giữ nguyên vẹn, ngay cả “cụ nghiến” nghìn năm tuổi tại thôn Nà Khậu nằm ngay cạnh đường ô tô chạy ngang nhưng vẫn hiên ngang đứng, sừng sững như minh chứng sống cho những thăng trầm, đổi thay trên vùng đất nơi rẻo cao này.
Trong khuôn khổ diễn ra Ngày hội Văn hoá ẩm thực, Du lịch sinh thái năm 2024. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường đã trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây nghiến (Excentrodendron tonkinense Chang & Miau) tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (đứng giữa) tới dự, tặng hoa chúc mừng chính quyền địa phương có cây nghiến cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Cây nghiến Di sản tại xã Phúc Yên với trên 1000 năm tuổi.
Cây nghiến Di sản tại xã Phúc Yên với trên 1000 năm tuổi, cao 40m, đường kính tán lá rộng từ 25-32m. Cây nghiến nằm nằm trên tảng đá có độ cao 220m so với mực nước biển, giáp với đường liên xã (xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đi sang xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), cách UBND xã Phúc Yên khoảng 4,0 km, và cách Hang Pài Bó (điểm du lịch khảo cổ) khoảng 1,5 km; bên cạnh cây nghiến là dòng suối trong xanh, nước chảy quanh năm, là nơi sinh sống của nhiều loài cá. Cây mọc trên tảng đá, có nhiều bạnh rễ lớn ôm vào vách đá hình thành nên thân cây; thân cây thẳng, tán lệch, địa hình tương đối thuận lợi cho du khách thăm quan, trải nghiệm
Chính quyền và nhân dân địa phương vui mừng và tự hào khi cây nghiến nghìn năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Cây mọc trên tảng đá, có nhiều bạnh rễ lớn ôm vào vách đá hình thành nên thân cây.
Việc công nhận Cây Di sản tại xã Phúc Yên có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành ý thức của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học...
Việc công nhận Cây Di sản tại xã Phúc Yên có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; có giá trị tạo không gian xanh, tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là địa điểm tâm linh, văn hóa của cộng đồng. Đặc biệt, Cây Di sản Việt Nam còn góp phần phát triển kinh tế, phát triển hình thành các tuyến du lịch mới và tạo sinh kế mới cho người dân.
Ông Chẩu Văn Đội, Chủ tịch UBND xã Phúc Yên khẳng định chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm bảo tồn cây nghiến Di sản và các cổ thụ khác trên địa bàn.
Ông Chẩu Văn Đội, Chủ tịch UBND xã Phúc Yên (Lâm Bình, Tuyên Quang) cho biết: Cây nghiến được công nhận là Cây Di sản Việt Nam là niềm vinh dự, tự hào về công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương. Việc bảo tồn cây nghiến Di sản là nhiệm vụ quan trọng và gắn với phát triển du lịch sinh thái của địa phương; Bảo tồn Cây Di sản không chỉ góp phần giáo dục cho cộng đồng biết trân quý những giá trị lịch sử, văn hoá, mà còn là bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… Chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Phúc Yên sẽ cố gắng bảo vệ thật tốt không chỉ đối với cây nghiến đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam mà ngay cả các cây gỗ quý, cây cổ thụ khác.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết: Cây nghiến tại xã Phúc Yên cũng như còn rất nhiều các cây nghiến khác tại huyện Lâm Bình đều có thể nói là đạt tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam. Việc công nhận cây nghiến tại xã Phúc Yên là cây Di sản Việt Nam mang rất nhiều ý nghĩa. Trước tiên là về mặt đa dạng sinh học, sinh thái, môi trường… Nhưng luôn luôn, những cây Di sản với tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm gắn liên với các yếu tố về lịch sử, văn hoá, dân tộc, thậm chí cả những yếu tố về cách mạng, đời sống,… Chính vì những điều đó, bảo vệ cây di sản không chỉ là việc làm để tri ân thế hệ đi trước mà còn có giá trị thời đại. Bởi cây Di sản nếu biết bảo tồn và phát huy tốt những giá trị hiện có thì sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, vô cùng hấp dẫn. Cây Di sản sau khi bảo tồn có giá trị về phát triển du lịch…
Cảm xúc trước cảnh sắc thiên nhiên, sự hùng vĩ của cây nghiến Di sản và sự nồng hậu của con người nơi rẻo cao huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ngẫu hứng, sáng tác bài thơ “Cây Nghiến Di sản Lâm Bình”:
“Hiên ngang Nghiến đừng bên đường
Rễ to bám chặt kiên cường đá xanh
Nghiến xây nên luỹ nên thành
Địa đầu Tổ quốc nghìn năm vững bền
Rộn ràng sân khấu bật đèn
Ngỡ ngàng váy đỏ váy đen Tày Nùng
Mưa xuân thêm đẹp thêm mừng
Vọng vang tiếng hát giữa rừng Phúc Yên
Miền xuôi Hà Nội anh lên
Khi xưa mang nặng nỗi niềm bất an
Nay “You-tup” tràn lan
Quê em giàu có vững vàng lên cao
Rừng Nghiến Di sản anh trao
Du lịch sinh thái lê đào kề bên
Đường sông đường bộ đường biên
Trăm đường nghìn nẻo làm nên hùng cường”.
Có thể thấy, việc công nhận cây gỗ nghiến là cây Di sản Việt Nam là niềm tự hào không chỉ đối với chính quyền và người dân xã Phúc Yên mà còn là niềm vui chung của huyện Lâm Bình. Việc xác định là cây Di sản để có chính sách bảo vệ. Bởi ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, cây Di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương.
Việc bảo tồn cây nghiến Di sản là nhiệm vụ quan trọng và gắn với phát triển du lịch sinh thái của địa phương.
Ông Lê Thế Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ: “Ngày hội Văn hoá ẩm thực, du lịch sinh thái 2024 được xã Phúc Yên lần đầu tổ chức với rất nhiều các hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Càng đặc biệt hơn khi dịp này Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trực tiếp đến đây trao Quyết định cộng nhận Cây Di sản Việt Nam và gắn biển Cây Di sản cho cây nghiến tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, cá nhân tôi cũng như chính quyền và bà con nhân dân các dân tộc nơi đây cảm thấy rất vui mừng. Mong rằng, các giá trị về văn hoá cũng như bảo tồn các giá trị đối với những cây gỗ lớn, cây cổ thụ sẽ ngày càng được tốt hơn”.
TẠ THÀNH
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.