Cao Bằng: Hết hạn khai thác, Công ty Tiến Hiếu “quên" đóng cửa mỏ?
Mặc dù đã có văn bản đề nghị thực hiện đề án đóng cửa mỏ thế nhưng Công ty khoáng sản & thương mại Tiến Hiếu vẫn khai thác vận chuyển khoáng sản ra ngoài.
Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng không khỏi bức xúc về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ Fluorit Bình Đường, thuộc Công ty khoáng sản & thương mại Tiến Hiếu (Công ty Tiến Hiếu). Hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản tại đây bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, cơ sở hạ tầng xuống cấp, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng đến việc canh tác cũng như cuộc sống của người dân địa phương.
Cụ thể, theo người dân phản ánh, mỏ khai thác này có thông báo đóng cửa nhưng không hiểu vì sao, đơn vị này vẫn chưa chấm dứt hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản.
Chia sẻ với Phóng viên, một người dân sống cách điểm mỏ 50m cho biết: Họ vẫn phải “sống chung” với tiếng ồn, bụi bẩn do hàng loạt các loạt xe vận chuyển khoáng sản tại điểm mỏ của Công ty Tiến Hiếu. Các xe trọng tải lớn thường xuyên chạy qua khu vực dân cư gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn, hạ tầng giao thông xuống cấp.
Hơn nữa, vị trí khai thác nằm ngay trên núi, phía sau nhà dân, cứ mỗi khi trời mưa, đất đá thành dòng chảy hết xuống đường, rộng nương, vườn tược khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc canh tác. Nguy hiểm hơn, những đống đất đá thải được đắp ngay lưng đồi có nguy cơ lăn, sập vào nhà người dân bất cứ lúc nào.
Cũng theo chia sẻ của người dân, đơn vị này về đây hoạt động khai thác đã nhiều năm. Thời gian vừa qua cũng nghe thấy có thông báo đóng cửa mỏ, thế nhưng hoạt động khai thác, quá trình vận chuyển khoáng sản đi tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường, không có dấu hiệu dừng hoạt động.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 2/3/2023, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Bàn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Phan Thanh để tìm hiểu rõ hơn về thông tin vụ việc.
Qua trao đổi, ông Thắng xác nhận điểm mỏ của Công ty Tiến Hiếu đang trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Ngay sau khi nhận thông tin từ cơ quan báo chí, UBND xã sẽ cho cán bộ xuống làm vệc với Công ty, lập biên bản sự việc.
Vị lãnh đạo UBND xã Phan Thanh chia sẻ thêm, người dân trên địa bàn xã cũng nhiều lần bức xúc trong quá trình khai thác của Công ty Tiến Hiếu. UBND xã Phan Thanh đã phải giải quyết hậu quả về môi trường của đơn vị này gây ra như: Đất đá trôi xuống làm tắc cống những khi trời mưa, hay về việc đất đá thải được đắp đống trên núi ngay sau nhà các hộ dân.
Chiều cùng ngày, trao đổi nhanh với Phóng viên, bà Nông Thị Hà - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nguyên Bình cho biết: “Điểm mỏ Fluorit Bình Đường, thuộc Công ty khoáng sản & thương mại Tiến Hiếu đang trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chưa hoàn thành thực hiện đề án”.
Bà Hà cũng cho biết thêm: “Vừa qua chúng tôi cũng đã làm việc với xã về tình hình hoạt động của đơn vị này. Qua báo cáo của UBND xã Phan Thanh, thời gian gần đây vẫn có xe vận chuyển khoáng sản ra ngoài. Ngay sau đó, chúng tôi cũng đã đề nghị UBND xã Phan Thanh kiểm tra lại hoạt động của đơn vị trên sau đó báo cáo lại với UBND huyện Nguyên Bình để xin ý kiến chỉ đạo”.
Sau khi ghi nhận thông tin, phản ánh của người dân, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có mặt tại điểm mỏ của Công ty Tiến Hiếu nằm tại thôn Bình Đường, xã Phan Thanh (Nguyên Bình, Cao Bằng) để ghi nhận vụ việc.
Tại thời điểm trên, Phóng viên ghi nhận 4 chiếc máy xúc vẫn đang hoạt động hết công suất trong phạm vi mỏ, dưới moong khai thác; 2 chiếc ô tô thi nhau vào lấy hàng chở về bãi tập kết và chờ được chở đi tiêu thụ.
Qua quan sát, khu vực moong khai thác có độ sau hàng chục mét, nhiều phương tiện phục vụ quá trình khai thác vẫn hoạt động và diễn ra bình thường.
Theo tài liệu Phóng viên có được, điểm mỏ Fluorit Bình Đường, thuộc Công ty khoáng sản & thương mại Tiến Hiếu phải thực hiện đề án đóng cửa mỏ trước ngày 5/2/2022…
Qua vụ việc trên, dư luận không khỏi thắc mắc đặt ra câu hỏi: Đơn vị quản lý địa phương ở đâu khi tình trạng khai thác khoáng sản khoáng sản của Công ty Tiến Hiếu vẫn diễn ra trong khi đang thực đề án đóng của mỏ? Cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng giữ vai trò gì trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản quốc gia?
Trước những phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Tiến Hiếu, người dân nơi đây đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra làm rõ những dấu hiệu vi phạm trên.
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng đánh giá, với trữ lượng lớn và chất lượng tốt, tiềm năng khoáng sản của Việt Nam là rất lớn, mặc dù chủ yếu là xuất thô và chưa qua chế biến nhưng khoáng sản có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP.Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt từ Chính phủ mà công tác quản lý khoáng sản đã dần đi vào nề nếp hơn, giảm bớt thất thoát nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, đánh giá khách quan, công tác quản lý vẫn tồn tại nhiều bất cập. Thực tế tình trạng khai thác trái phép vẫn cứ diễn ra, làm “chảy máu” tài nguyên, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đánh giá trực diện, các hành vi khai thác trái phép khoáng sản gây tổn hại về kinh tế. Đồng thời, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Đơn cử như hành vi khác cát trái phép sẽ làm thay đổi dòng chảy; Việc khai thác khoáng sản trong rừng làm mất diện tích rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, gia tăng thiên tai, bão lũ; Quá trình khai thác, vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân…
“Các hành vi khai thác trái phép đều vi luật (vi phạm pháp luật - PV) và không hề tuân thủ các quy định, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lộng hành của các đơn vị này làm người dân hoang mang, mất lòng tin, đồng thời có khả năng hình thành các tụ điểm nguy hiểm, sa đà vào các tệ nạn xã hội nhờ nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác trái phép”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Đỗ Tuấn