0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 02/12/2024 09:17 (GMT+7)

Cảnh báo việc mua, bán tài khoản ngân hàng: lợi ít, hại nhiều

Theo dõi KT&TD trên

Trong thời gian vừa qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Một số người dân không ý thức được việc làm này là hành vi nguy hiểm, gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Một số người dân không ý thức được việc làm này là hành vi nguy hiểm, gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật.

Chỉ vì số tiền 3 triệu đồng, anh H.V.Q, ngụ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã dùng tài khoản ngân hàng của mình đem bán cho một đối tượng khác thông qua mạng xã hội. Thấy có được tiền dễ dàng cùng với lời dụ dỗ của đối tượng, Q. tiếp tục mượn tài khoản của vợ và bố vợ để đem bán. Với 3 tài khoản bán được, Q. thu được 9 triệu đồng. Tuy nhiên mọi việc không kết thúc ở đó, các tài khoản này đã bị đối tượng xấu lợi dụng để tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Qua điều tra xác minh, lực lượng Công an đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cả ba người số tiền gần 128 triệu đồng. Anh Q. cho biết: “Hồi đầu thì tôi thấy có lợi nên tôi không để ý tới hậu quả, mà cũng không hay là họ sẽ dùng tài khoản đó vào mục đích gì, cho đến khi tôi bị cơ quan Công an điều tra mời lên làm việc rồi tôi mới biết họ thu mua về làm những việc sai trái, thì lúc đấy tôi rất là hối hận. Với hành vi sai trái của tôi thì cũng bị cơ quan chức năng phạt số tiền rất lớn, gia đình tôi cũng sẽ cố gắng chấp hành”.

Tang vật của vụ án mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng.

Trước đó, khoảng tháng 8/2024, 13 cá nhân khác nghe theo lời chào mời, dụ dỗ của các đối tượng lấy tài khoản ngân hàng đem bán, có trường hợp đối tượng chỉ thu mua với 300.000đ. Tuy nhiên vì không am hiểu về pháp luật, không lường trước những hậu quả có thể xảy ra từ hành vi bán tài khoản ngân hàng, nhiều người đem bán tài khoản ngân hàng với giá rất rẻ. Qua điều tra, xác minh vụ việc, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 cá nhân trên về hành vi bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Anh N.V.T, ngụ thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một trong 13 người bị phạt, kể lại: “Mấy người này hỏi mua lại của mình các tài khoản không dùng hoặc mới tạo chưa sử dụng đến. Họ ăn mặc rất là lịch sự, nói chuyện rất là văn minh, tại quán đó cũng mua của mười mấy người. Sau đó, Công an mời tôi lên nói là dính tới vụ mua bán thẻ ngân hàng và bị xử phạt 42.5 triệu đồng, giờ đang đi làm để đóng tiếp số tiền còn lại”.

Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố 13 bị can trong các đường dây mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và đánh bạc quy mô lớn. Các bị can này đã liên kết, móc nối với nhau hình thành đường dây mua bán trái phép thông tin hàng trăm tài khoản ngân hàng của người khác, nhằm thu lợi bất chính. Thủ đoạn của các đối tượng thường tìm kiếm học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động,… cần tiền tiêu xài để gợi ý, dụ dỗ họ mở tài khoản ngân hàng bán lại cho các đối tượng, mỗi tài khoản đăng ký thành công các đối tượng thu mua với giá từ 150.000 đồng đến 700.000 đồng. Sau đó các bị can trong đường dây sử dụng các tài khoản này để đăng ký tài khoản đánh bạc và tham gia đánh bạc trực tuyến trong thời gian dài với quy mô lớn trên mạng Internet.

Qua các vụ việc trên cho thấy, chỉ vì ham lợi trước mắt mà một số người đã bị các đối tượng dụ dỗ, mồi chài để thu mua tài khoản ngân hàng. Số tiền có được từ việc bán tài khoản không đáng là bao, tuy nhiên số tiền phạt đối với hành vi này là rất lớn. Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm pháp lý phát sinh đối với các cá nhân.

Cơ quan Công an xử phạt hành chính các đối tượng có hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng.

Thượng tá Phan Văn Minh – Phó Trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong thời gian vừa qua, tình hình mua bán tài khoản ngân hàng xảy ra trên địa bàn cả nước diễn biến hết sức phức tạp. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh phát hiện 2 đường dây mua bán tài khoản ngân hàng, qua kết quả điều tra xác định 700 cá nhân đã mở trên 1.000 tài khoản ngân hàng để bán cho các bị can trong vụ án. Việc cá nhân mở tài khoản ngân hàng nhưng không sử dụng mà bán trao đổi, cho thuê thì thì theo tính chất mức độ sẽ bị xem xét xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử lý hành chính mức phạt tiền cao nhất đến 100 triệu đồng, và xử lý hình sự theo điều 291 Bộ Luật hình sự cao nhất là đến 7 năm tù”.

Chỉ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng, nhiều người đã bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, mà không biết mình đang tiếp tay cho các đối tượng xấu thu gom tài khoản ngân hành để sử dụng vào các mục đich phi pháp, vi phạm pháp luật. Các hành vi đó có thể lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức người xuất nhập cảnh trái phép; trao đổi mua bán các loại hàng cấm, vật cấm, ma túy; đánh bạc; rửa tiền; tài trợ khủng bố;…

Thượng tá Nguyễn Anh Dũng – Phó Trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo: “Các đối tượng thường đánh vào tâm lý hám lợi của bị hại, tập trung vào các vùng nông thôn khu vực có đông công nhân lao động để dụ dỗ mua bán, cầm cố tài khoản ngân hàng. Việc mua bán tài khoản ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà hậu quả là do chủ tài khoản gánh chịu, như là bị dư nợ trong tài khoản ngân hàng mà không rõ nguyên nhân. Khuyến cáo mọi người cần chú ý là phải có biện pháp tự bảo vệ tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân của mình, không chia sẻ hoặc cung cấp thông tin cho bất kỳ cho tổ chức cá nhân nào mà mình không quen biết. Khi bị mất các giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng cần nhanh chóng thông báo cho ngân hàng hỗ trợ để khóa tài khoản. Khi phát hiện có người chào mời mua bán tài khoản ngân hàng thì nhanh chóng tố giác với cơ quan Công an để có biện pháp xử lý, ngăn chặn.”

Bên cạnh thủ đoạn mua trực tiếp từ các khoản ngân hàng có sẵn, các đối tượng còn dẫn dụ người dân mở tài khoản thanh toán để bán, cho thuê, cho mượn hoặc sử dụng thông tin của người dân cung cấp để mở tài khoản nặc danh, mạo danh. Điều này không chỉ gây mất an ninh, an toàn đối với hoạt động thanh toán, hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Lại Văn Bé Chín – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo khách hàng không bán, không cho thuê, không cho mượn tài khoản ngân hàng; hướng dẫn khách hàng cách thức sử dụng tài khoản thanh toán an toàn. Nâng cao nhận thức cảnh giác của khách hàng về tội phạm mua, bán trái phép tài khoản thanh toán, đặc biệt là nhóm khách hàng là học sinh, sinh viên, công nhân, người cao tuổi…. Việc triển khai biện pháp đối chiếu thông tin sinh trắc học đối với giao dịch thanh toán, cũng đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi sử dụng tài khoản không đúng mục đích, sai quy định.”

Hiện nay, các cơ quan chức năng đã ban hành các quy định theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn trên lĩnh vực ngân hàng, nhất là trong xu thế ứng dụng khoa học mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh đó, Cơ quan Công an cũng tập trung điều tra xử lý nghiêm các hành vi mua bán, trao đổi, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng để ngăn chặn việc gián tiếp tiếp tay cho các đối tượng hoạt động phạm tội khác. Vì vậy, mọi người dân cần hết sức nâng cao cảnh giác trước những lời mồi chài, dụ dỗ của các đối tượng liên quan đến mua bán, mở các tài khoản ngân hàng mà không sử dụng đúng mục đích, để tránh những hệ lụy phát sinh đối với bản thân gia đình và xã hội.

Thanh Mỹ - Hoàng Thanh

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo việc mua, bán tài khoản ngân hàng: lợi ít, hại nhiều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chiến lược quan trọng cho sự phát triển bền vững
Những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò xúc tác quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Hà Nội xác định 3 giai đoạn phát triển giao thông thông minh
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một số ứng dụng phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe bus... Đây là những tiền đề đầu tiên để triển khai hệ thống giao thông thông minh
Cảnh báo chiêu lừa mua vé chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”
Trước sức hút của hai chương trình âm nhạc lớn là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh Trai Say Hi”, nhiều fan hâm mộ không thể đăng ký mua được vé khi Ban Tổ chức mở bán, nên đã phải tìm mua lại vé trên mạng. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.

Tin mới

Mật ong rừng Việt Nam - Tiềm năng lớn cần được khai phá
Mật ong rừng tự nhiên là một trong những sản vật quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Việt Nam. Với hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú trải dài từ Tây Nguyên, Tây Bắc đến Nam Trung Bộ, mật ong rừng Việt Nam nổi bật với độ tinh khiết và giá trị dinh dưỡng cao.
Xu hướng mua sắm mùa Tết 2025
Trước bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các chuyên gia cho rằng, dịp Tết năm 2025, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục là mùa Tết tiết kiệm, đơn giản và thiết thực.
Các nhà bán lẻ nỗ lực ổn định nguồn cung, kỳ vọng thị trường bùng nổ cuối năm
Cuối năm là thời điểm “vàng” của ngành bán lẻ, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh để chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết. Để thành công trong mùa mua sắm cuối năm, ngành bán lẻ không chỉ phải chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hóa, mà còn phải triển khai các chiến lược kích cầu, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam bứt phá, hướng đến kỷ lục 7,2 tỷ USD
Ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang chứng kiến một bước tiến vượt bậc trong năm 2024. Với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu rau quả dự kiến đạt mốc 7,2 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.