Cảnh báo phụ huynh học sinh mất tiền tỷ với trò lừa cũ - chiêu thức mới của tội phạm mạng
Đã xuất hiện phụ huynh mất tiền tỷ khi đăng ký cho con tham gia các chương trình “trại hè quân đội” qua website, fanpage giả mạo. Công an cảnh báo các chiêu lừa đảo tinh vi đang nở rộ đầu hè 2025, đánh trúng tâm lý cho con “nghỉ hè có ích”.
Cảnh báo từ lực lượng công an
Đầu mùa hè là thời điểm các đối tượng lừa đảo qua mạng gia tăng hoạt động. Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội, trong tháng 4 và đầu tháng 5/2025, đơn vị đã tiếp nhận nhiều phản ánh về tình trạng giả mạo website, fanpage của các trung tâm kỹ năng hoặc tổ chức liên kết với các đơn vị vũ trang để tổ chức "trại hè quân đội", "học kỳ công an" hoặc "lớp kỹ năng sống cho trẻ".
Những đối tượng này thường mạo danh tổ chức uy tín, đầu tư vào giao diện website, chạy quảng cáo để tạo lòng tin. Họ yêu cầu phụ huynh chuyển khoản giữ chỗ với mức phí từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, rồi biến mất sau khi nhận được tiền. Hơn thế, đã xuất hiện trường hợp bị dẫn dụ vào ma trận lừa mất hàng trăm triệu đồng.

Lợi dụng tâm lý mong muốn con có kỳ nghỉ "bổ ích - trưởng thành – khác biệt", các đối tượng tung ra quảng cáo về trại hè "đẳng cấp", môi trường "quân đội chính quy", thậm chí khẳng định hợp tác với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Nhiều chương trình được "đánh bóng" bằng hình ảnh học viên mặc quân phục, xếp hàng nghiêm trang, kèm những lời giới thiệu hấp dẫn như: "Lớp học lãnh đạo trẻ tương lai", "Học kỳ đặc biệt giúp trẻ bứt phá bản thân sau 14 ngày".
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng đã đưa ra khuyến cáo: Các website giả mạo thường không có chứng chỉ bảo mật (https), thông tin pháp nhân mờ nhạt, chỉ cung cấp số điện thoại di động. Các đơn vị uy tín luôn có thông tin rõ ràng về chương trình, giảng viên, đối tác bảo trợ và sử dụng tài khoản ngân hàng doanh nghiệp để thanh toán.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết: Mặc dù hình thức lừa đảo không mới, nhưng thủ đoạn mùa hè năm 2025 đã "nâng cấp", tinh vi hơn nhiều. Nếu trước đây phụ huynh chỉ bị lừa khi đóng phí đăng ký, thì hiện nay các đối tượng tạo ra cả một "ma trận" dẫn dụ nạn nhân qua nhiều bước.

Chiêu trò "khảo sát" lừa tiền trăm triệu
Các fanpage lừa đảo được đầu tư kỹ lưỡng, thường mang tên "Trại hè Quân đội 2025", "Học kỳ Công an", "Trải nghiệm làm chiến sĩ"... sử dụng hình ảnh thật từ các chương trình trước đó, cắt ghép video của đơn vị uy tín, thuê người đóng giả học viên cũ để livestream chia sẻ trải nghiệm, "phụ huynh từng tham gia" bình luận khen ngợi.
Một số "tư vấn viên" còn dùng chiêu thúc giục kiểu "Chỉ còn vài suất", "Đăng ký hôm nay được giảm 30%", khiến phụ huynh dễ dàng chuyển tiền mà không kiểm tra kỹ.
Một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ: "Năm ngoái tôi thấy fanpage quảng cáo trại hè quân đội cho học sinh cấp 2. Thấy hình ảnh chuyên nghiệp, gọi điện thì được tư vấn rất nhiệt tình. Họ bảo chuyển tiền sớm thì học phí chỉ còn 5 triệu đồng/2 tuần. Tôi chuyển khoản, sau đó fanpage biến mất, không liên lạc được."
Điểm mới của mùa hè năm nay là việc lừa đảo không dừng lại ở chi phí giữ chỗ, mà dẫn dụ nạn nhân đi sâu vào chuỗi "khảo sát để tăng điểm tín nhiệm". Các fanpage gợi ý rằng học sinh cần đạt điểm cao trong khảo sát thì mới có cơ hội trúng tuyển chương trình trải nghiệm đặc biệt trong doanh trại công an, q-uân đội.
Nạn nhân sẽ được hướng dẫn liên hệ với "tư vấn viên" qua Zalo, sau đó được mời vào nhóm Telegram. Tại đây, họ được yêu cầu tham gia chuỗi "khảo sát 1", "khảo sát 2"… Mỗi khảo sát yêu cầu chuyển khoản vài triệu đồng, và ban đầu sẽ được hoàn tiền đầy đủ kèm phí khảo sát, khiến nạn nhân tin tưởng.
Khi đến "khảo sát 3" trở đi, số tiền tăng lên hàng chục triệu đồng, thủ đoạn cũng thay đổi. Các đối tượng viện lý do lỗi hệ thống, cần xác minh thêm… rồi yêu cầu tiếp tục chuyển tiền để "gộp lệnh", "giải ngân". Nếu nạn nhân chần chừ, họ thúc giục bằng lý do "sắp hết cơ hội cho con".
Chị Đỗ Thị X (trú tại Mỹ Đình, Hà Nội) là một nạn nhân điển hình. Chị kể: "Tôi chuyển tiền khảo sát 1, khảo sát 2 đều nhận lại được tiền. Tới khảo sát 3 – 35 triệu đồng thì không còn hoàn lại. Bọn chúng liên tục giục tôi chuyển thêm để lấy lại khoản trước. Trong vòng 5 tiếng, tôi chuyển hơn 1 tỷ đồng rồi mới biết bị lừa. Nhóm Telegram biến mất, không thể liên lạc."
Các cơ quan chức năng xác nhận: thủ đoạn khảo sát này là sự "nâng cấp" của mô hình lừa đảo cũ từng dùng danh nghĩa "nhiệm vụ online" cho các nhãn hàng tài trợ chương trình hè. Sau khi hình thức cũ bị cảnh báo rộng rãi, các đối tượng chuyển hướng sang khung khảo sát, tinh vi hơn, khiến phụ huynh dễ mất cảnh giác.
Phụ huynh cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của đơn vị tổ chức trại hè. Chỉ nên đăng ký qua website có bảo mật, thông tin rõ ràng và tài khoản thanh toán là của pháp nhân. Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân qua Zalo hay Telegram với người lạ. Khi nghi ngờ bị lừa, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Trước thực trạng gia tăng các vụ lừa đảo qua mạng dưới danh nghĩa tổ chức lớp học, trại hè cho trẻ em, nhiều cơ quan chức năng đã đưa ra các khuyến cáo:
Bộ Công an: Phụ huynh nên kiểm tra thông tin đơn vị tổ chức trên cổng thông tin điện tử của ngành giáo dục, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Không chuyển khoản trước khi xác minh kỹ.
Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội và TP.HCM: Các lớp kỹ năng, hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh đều cần có đăng ký với Sở, kèm nội dung, địa điểm và danh sách người phụ trách.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT): Khi phát hiện website hoặc fanpage nghi vấn giả mạo, người dân nên chụp lại thông tin và phản ánh qua hệ thống tiếp nhận tin báo vi phạm mạng.