Cận tết Nguyên đán: Pháo hoa, pháo nổ bán tràn lan trên chợ mạng
Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu chơi pháo dịp Tết tăng mạnh khiến thị trường pháo năm nay trở nên nóng. Trên mạng xã hội Facebook, TikTok, nhiều fanpage, tài khoản đang rao bán đủ loại pháo hoa, pháo nổ mập mờ nguồn gốc, thậm chí tài khoản còn bán pháo nhập từ Thái Lan, Trung Quốc.
Pháo hoa, pháo nổ bán tràn lan trên mạng xã hội
Chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm của Facebook, TikTok…, lập tức hiện ra vô số lời rao bán đủ các loại pháo hoa. Kết quả tìm kiếm cũng cho ra những hội nhóm buôn bán, kinh doanh pháo, thu hút hàng ngàn người với rất nhiều lượt tương tác.
Để thu hút khách hàng, các tài khoản này đăng tải nhiều hình ảnh về việc mua bán pháo. Nhằm tăng độ tin cậy, người bán đưa ra hàng loạt cam kết, như: an toàn khi sử dụng, "pháo do Nhà máy Z121 sản xuất", có hóa đơn bán lẻ; hàng không đặt cọc, uy tín, nhận hàng kiểm tra mới thanh toán…
Qua khảo sát của phóng viên Thương Trường, trên rất nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook, thậm chí có cả fanpage lấy tên "Pháo hoa Z121 Bộ Quốc Phòng" với gần 6.000 thành viên tham gia đang rao bán đủ loại pháo xen lẫn cả "pháo của Bộ Quốc phòng" và nhiều loại pháo khác.
Trong vai người mua pháo, phóng viên đã liên hệ với một tài khoản trên nhóm "Pháo hoa Z121 Bộ Quốc Phòng" để hỏi về việc bán pháo hoa hay pháo nổ, và giá cả thế nào, chủ tài khoản thông tin là “pháo nổ thôi”. Đồng thời chủ tài khoản có tên Mobelle Việt thông tin khá chi tiết về các mức giá khác nhau cho các loại pháo như: pháo dàn loại 36 quả có giá 600 ngàn đồng; Loại dàn 49 quả có giá 800 ngàn đồng. Trong khi loại dàn 100 quả có giá tới 2.500 ngàn đồng. Riêng pháo bi loại 100 quả nhỏ có giá 400 ngàn, còn loại lớn có giá tới 600 ngàn đồng. Với pháo cây hoa có giá 120 ngàn đồng/cây, và pháo cối 1 quả có giá 50 ngàn đồng…
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy các tài khoản này hoạt động khá xôm tụ trên chợ mạng. Các thành viên liên tục đăng bài, và tương tác rất nhanh với người dùng. Và phần lớn các tài khoản đều công khai số điện thoại để người tiêu dùng có thể tiện liên lạc và đặt hàng.
Đáng chú ý là có rất nhiều tài khoản trên fanpage có tên “Pháo hoa Z121 Bộ Quốc Phòng” bán hàng pháo hoa chính hãng do nhà máy Z121 của Bộ Quốc Phòng sản xuất, nhưng không ít tài khoản bán hàng pháo hoa, pháo nổ và nhiều loại pháo khác mập mờ về nguồn gốc. Thậm chí, có một số tài khoán công khai bán cả pháo hoa, pháo nổ nhập từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là hàng từ Thái Lan và Trung Quốc.
Nguy cơ mất an toàn
Mới đây, tại chung cư Hồng Hà Eco City, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội xảy ra vụ cháy tại căn hộ tầng 10, toà CT11 sau màn bắn pháo hoa mừng Đêm hội trăng rằm. Trong khi trước đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã từng xảy ra vụ hoả hoạn khiến 3 người tử vong tại một quán bar khi sử dụng pháo sáng. Việc người dân sử dụng pháo vào các dịp lễ, tết hoặc sự kiện lớn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài nguyên nhân chập, cháy điện dẫn đến hoả hoạn thì việc sử dụng pháo cũng tiềm ẩn các nguy cơ cháy lớn.
Thống kê của cơ quan chức năng, cho thấy trong năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000kg pháo. Đáng chú ý là có nhiều loại pháo tự chế theo công thức trên mạng và các loại pháo không rõ nguồn gốc xuất xử được bán tràn lan trên mạng xã hội.
Cụ thể, vào sáng 3/12/2023, một nam sinh lớp 11 tại Lục Ngạn - Bắc Giang nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu, chấn thương mặt, dập nát bàn tay và nhiều bộ phận khác do tự chế pháo nổ. Chỉ ít ngày sau vụ việc ở Lục Ngan, vào chiều tối ngày 7/12, một vụ nổ do chế tạo pháo trái phép xảy ra tại xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã khiến cho 2 nhân công được thuê chế tạo pháo tử vong , 1 cháu bé bị thương, 1 căn nhà bị phá sập hoàn toàn.
Chiều ngày 13/12, một vụ nổ khiến mái tôn gian bếp ngôi nhà số 1 đường Tân Vũ, phường Tràng Cát, quận Hải An - TP. Hải Phòng bị giật tung, đồ đạc rơi vỡ. Người dân tìm thấy nạn nhân 18 tuổi bị thương ở mặt và tay trái. Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện, nhưng không qua khỏi. Nhận định ban đầu vụ nổ do quấn pháo, bởi hiện trường có nhiều mảnh giấy, mùi thuốc pháo.
Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán pháo nổ có những diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cháy nổ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra trên cả nước.
Mặc dù lực lượng chức năng đang thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng công an cả nước đã tập trung đấu tranh kiên quyết với các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán pháo nổ. Tuy nhiên, tình trạng mua bán pháo không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra hết sức phức tạp, nhất là trên mạng xã hội khiến nguy cơ mất an toàn và chập cháy nổ dịp Tết là rất lớn.
Chia sẻ với báo chí mới đây, Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, khẳng định pháp luật quy định cá nhân không được phép kinh doanh pháo, kể cả pháo của Bộ Quốc phòng sản xuất.
Theo Luật sư Thảo, chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa và được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện (an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về PCCC…). Tổ chức, cá nhân không được cấp phép thì đương nhiên cũng không được quảng cáo mua bán pháo trên không gian mạng.
Hành vi sử dụng, buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo nhập lậu là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đến 15 năm tù.
“Cửa hàng kinh doanh pháo phải được xây dựng bảo đảm đúng quy định. Trong khi đó, pháo rao bán tràn lan trên mạng xã hội thì không ai bảo đảm chất lượng cũng như độ an toàn và nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra”, Luật sư Thảo khuyến cáo.
Minh Đức