Các quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) phải thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để có sự căn chỉnh cho phù hợp.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban Thường trực) vừa có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nội dung phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cụ thể, Ban Thường trực tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhà ở (sửa đổi) và các giải trình, lập luận về sự cần thiết ban hành Luật nêu tại dự thảo Tờ trình. Tại dự thảo Tờ trình, cơ quan chủ trì soạn thảo đã giải trình đầy đủ về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật nhà ở, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Nhà ở hiện hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng...
Bên cạnh đó, để bảo đảm quán triệt đầy đủ, cụ thể hơn quan điểm của Đảng, cụ thể hóa đầy đủ, chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, Ban Thường trực đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật về các vấn đề liên quan đến bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển nhà ở, về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân, về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội, về phát triển nhà ở của các thành viên hộ gia đình, cá nhân, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… và các quy định liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân về nhà ở.
Đồng thời, đánh giá kỹ các tác động tích cực, tiêu cực của mỗi nội dung sửa đổi, bổ sung, nhất là các quy định liên quan tới các quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền có chỗ ở đã được các văn kiện của Đảng và Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Trên tinh thần đó, các quy định cụ thể của dự thảo Luật phải bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn nữa quan điểm của Đảng tại Mục XII Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII về tăng cường, mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, qua rà soát các quy định của dự thảo Luật cho thấy vẫn còn một số quy định về bảo đảm quyền sở hữu nhà ở, về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; các quy định bảo hộ quyền sở hữu nhà ở, đảm bảo quyền không bị phá dỡ nhà ở một cách bất hợp pháp, quyền được khôi phục nhà ở thông qua các quy định về tái định cư, xây dựng lại nhà chung cư sau phá dỡ các chính sách, biện pháp để phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở… và các biện pháp để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người dân chưa được giải quyết thấu đáo, chưa bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế và phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa các nội dung này để bảo đảm tính hợp Hiến, tính tương thích của dự thảo Luật. Ban Thường trực cũng cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều quy định liên quan trực tiếp tới các luật hiện hành như: Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đầu tư công…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn có nhiều quy định liên quan trực tiếp tới dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và nhất là liên quan trực tiếp tới nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên tinh thần đó, để các quy định của dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành, đạt được mục tiêu sửa đổi Luật khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Nhà ở hiện hành với các luật được ban hành sau Hiến pháp năm 2013 và nhất là với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với vị trí là đạo luật có yếu tố quyết định, chi phối tới các chế định tương ứng trong dự thảo Luật Nhà ở, Ban Thường trực đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật để có sự căn chỉnh cho phù hợp.
Đồng thời cân nhắc kỹ thời điểm trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Nhà ở phù hợp với thời điểm trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Khôi Nguyên