BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu theo nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế tại thị trường trong nước.
Theo đó, số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ sử dụng tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phù hợp với khung trái phiếu xanh của BIDV.
Đây là lần đầu tiên thị trường vốn Việt Nam chứng kiến một đợt phát hành trái phiếu trong nước có khung trái phiếu xanh được xếp hạng bởi Moody’s - tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Đồng thời, 2.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành lần đầu tiên theo cấu trúc không tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và không cần bảo lãnh thanh toán. Điều này thể hiện mức độ tín nhiệm cao về năng lực và uy tín của tổ chức phát hành. Toàn bộ nhà đầu tư tham gia giao dịch đều là các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ thuộc các tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới.
Ông Trần Long - phó tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng có chiến lược rõ ràng về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội (ESG) trong hoạt động cấp tín dụng.
BIDV cũng sẵn sàng tài trợ vốn cho các khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn vốn trái phiếu xanh sẽ là công cụ hiệu quả để gia tăng năng lực cho BIDV trong việc thực hiện chiến lược nêu trên.
"Với quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng tôi mong muốn việc tiên phong phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của BIDV sẽ là nguồn cảm hứng cho các tổ chức khác cùng đồng hành xây dựng một tương lai xanh, phát triển mạnh mẽ và bền vững" - ông Long cho hay.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Đây là hoạt động ý nghĩa trước thềm COP28 nhằm hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam, góp phần tạo nên một hành tinh đáng sống. Ngân hàng Thế giới vui mừng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Việc phát hành trái phiếu xanh của các ngân hàng thương mại là một trong nhiều bước quan trọng để đạt được mục tiêu đó. Với trái phiếu xanh này, BIDV sẽ truyền cảm hứng cho các tập đoàn và ngân hàng thương mại khác cùng chung tay nỗ lực xanh hóa nền kinh tế.”
“Với chính sách đầu tư có trách nhiệm, chúng tôi ủng hộ các sáng kiến phát triển bền vững toàn cầu và đội ngũ đầu tư của chúng tôi luôn xem xét đánh giá các yếu tố Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trong quá trình đầu tư để phù hợp với các triết lý và quy trình của công ty, đồng thời cũng là triết lý hoạt động của Tập đoàn Prudential. Việc tham gia đầu tư trái phiếu xanh BIDV là một minh chứng thể hiện nỗ lực của Eastspring Việt Nam và Prudential Việt Nam hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao việc BIDV là ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam phát hành thành công trái phiếu theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của ICMA và có ý kiến xác nhận của bên thứ hai (Second Party Opinion), thể hiện cam kết của ngân hàng về tính minh bạch, tin cậy và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu.”- ông Ngô Thế Triệu – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Eastspring Investments cho biết.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của BIDV đã đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu.
Trong đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 642 triệu cp trả cổ tức năm 2021 và tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 26/10, cổ phiếu BID đóng cửa ở mức 40.45 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với hồi đầu năm 2023 (khoảng 41.000 đồng/ cổ phiếu).
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF - thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa lựa chọn BIDV là ngân hàng phục vụ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).
Chương trình do Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ, trị giá 51,5 triệu USD (tương đương 1.235 tỷ đồng).
Thỏa thuận nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các-bon đi-ô-xít tương đương (CO2e) ở vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) giai đoạn 2018-2024 cho FCPF, với tổng số tiền là 51,5 triệu USD. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ 5 trên thế giới đạt được thỏa thuận quan trọng này với FCPF.
Minh Anh