0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 14/11/2024 19:44 (GMT+7)

Bao quát các chính sách quản lý hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ

Theo dõi KT&TD trên

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới có giá trị nhỏ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nguồn: Bộ Tài chính - Đồ họa: Phương Anh

Đến lúc thay đổi chính sách

Với sự phát triển của TMĐT cho đến nay lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thì có khối lượng ngày càng lớn. Theo số liệu thống kê, hàng ngày có khoảng từ 4 đến 5 triệu đơn hàng TMĐT giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Trung bình mỗi đơn hàng khoảng 200.000 đồng thì tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu loại hình này có thể lên đến khoảng 800 tỷ đồng/ngày, gần 300 nghìn tỷ đồng/năm, thậm chí nhiều hơn và tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Điều quan trọng là, vì những lô hàng này có giá trị nhỏ nên cơ bản đang được miễn thuế.

Hiện đại hóa đã góp phần giảm thời gian, thủ tục

Áp dụng miễn thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ có một phần nguyên nhân để tạo thuận lợi cho người dân, DN vào thời điểm các thủ tục còn phải thực hiện thủ công.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngành Tài chính nói chung, cơ quan thuế, cơ quan hải quan nói riêng đã đạt nhiều bước tiến lớn trong cải cách hiện đại hóa. Với việc áp dụng công nghệ thông tin, hiện nay việc thực hiện thủ tục hải quan cũng như công tác thu thuế đã rất đơn giản và tiện lợi, giảm rất nhiều thời gian và thủ tục so với trước.

Từ số liệu nêu trên và tùy theo loại hàng hóa và mức thuế suất áp dụng, ước tính số thuế được miễn rơi vào khoảng hơn 50 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, từng đơn hàng giá trị có thể nhỏ nhưng tổng lượng hàng hóa nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm một khối lượng rất lớn, nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một số thuế khá lớn và chưa kể còn có thể dẫn đến tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế.

Trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét lại quy định này cho phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế cũng như thực tế tại Việt Nam nhằm đảm bảo điều tiết vĩ mô, tạo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh, tránh thất thu ngân sách nhà nước nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sự thuận tiện cho người nộp thuế và tiết giảm chi phí xã hội, nâng hiệu quả kinh tế.

Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn TMĐT. Cùng với đó, đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết chung của Kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội về việc chấm dứt Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Có chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc thu thuế trở lại đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng là phù hợp, khi mà số lượng của các loại hàng hóa đó rất lớn trên thị trường. Qua đó, giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn với hàng hóa nhập khẩu. Khi thu thuế cũng cần có những chính sách đi kèm về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ và cả chất lượng của các hàng hóa bởi thực tế hiện nay đã có tình trạng hàng hóa nhập khẩu chất lượng kém, không đúng xuất xứ so với thông tin quảng cáo, hay thậm chí hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam, lấy tên, nhãn mác của hàng Việt Nam để bán ở thị trường Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị của sản phẩm trong nước. Do đó, lợi ích của việc thu thuế là vừa đảm bảo việc quản lý nhà nước, vừa an toàn, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thu thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ sẽ góp phần tạo công bằng đối với các hàng hóa khác và góp phần chống thất thu ngân sách

Sẽ có Nghị định quản lý riêng

Không chỉ về thuế, ở khía cạnh khác, việc không chịu thuế sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước và đồng thời do không phải tính thuế nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa này cũng sẽ nhanh hơn và có tính cạnh tranh cao hơn.

Gần đây một số quốc gia bắt đầu nghiên cứu và thực hiện việc thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa có trị giá thấp. Chẳng hạn, tại EU, từ 1/7/2021 thực hiện thu thuế giá trị gia tăng đối với các lô hàng từ 22 euro trở xuống (trước đây các lô hàng này được miễn thuế); tại Singapore từ 1/1/2023 bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa trị giá thấp. Ngoài ra, tại các cuộc hội thảo, chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến cáo Việt Nam cân nhắc quy định không phải nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp.

Do đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ đề nghị bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Việc này cũng đồng nhất với ý kiến các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Hơn thế nữa, thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua TMĐT. Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua TMĐT được gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan. Do đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch TMĐT, Tổng cục Hải quan hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.

Trong đó, dự thảo Nghị định có một số nội dung cụ thể như: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách TMĐT, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch TMĐT nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động TMĐT phát triển đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch TMĐT, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước; xây dựng một hệ thống để kiểm soát các giao dịch TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch TMĐT.

Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), sau khi có hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch trên sàn, khi đó Nghị định này sẽ được ban hành và chính thức đi vào cuộc sống.

Nhận xét về dự thảo Nghị định, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, rất cần thông tin để quản lý hải quan tập trung, gồm cả thông tin người bán, người mua, hàng hóa, thành phẩm có liên quan. Qua đó, giúp tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng và cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia, theo dõi để đồng bộ các chính sách, thủ tục. Nhờ vậy, công tác khai báo hải quan điện tử, kê khai thuế, theo dõi thanh toán thuận lợi hơn và phòng, chống trục lợi, gian lận cũng như thực thi Luật Sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn.

Bạn đang đọc bài viết Bao quát các chính sách quản lý hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng USD tăng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá vàng?
Khi đồng USD tăng giá, thị trường tài chính toàn cầu luôn xáo động, và vàng – tài sản trú ẩn an toàn – cũng không ngoại lệ. Sự tăng giá của USD thường kéo theo sự giảm giá của vàng do mối quan hệ ngược chiều giữa hai loại tài sản này.
Tỷ giá USD hôm nay (12/11): Đồng USD thế giới quay đầu tăng mạnh
Sáng 12/11, tỷ giá trung tâm đồng Việt Nam với USD tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mức 24.263 VND/USD, giảm 15 VND. Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 105,5 điểm, tăng 0,5%.

Tin mới

Hai nhà đầu tư cá nhân bị xử phạt gần 200 triệu đồng vì giao dịch “chui”
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết vừa ra quyết định xử phạt hành chính ông Hoàng Minh Anh Tú và bà Trần Thị Thùy Dương, với mức tiền phạt 187,5 triệu đồng do các vi phạm không đăng ký chào mua cổ phiếu ALT công khai theo quy định; không báo cáo về việc dự kiến giao dịch đối với cổ phiếu SMT.
SeABank tiếp nối hành trình vì cộng đồng với “Tuần lễ công dân 2024” tại 28 tỉnh thành trên cả nước
Trong 3 tuần triển khai (từ 15/10 - 8/11), “Tuần lễ công dân 2024” của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa tại 25 bệnh viện/trường học/trung tâm bảo trợ, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại 2 bãi biển, trồng mới hơn 2.000 cây xanh tại 28 tỉnh thành phố trên cả nước.
Câu chuyện về thị trường trà detox và sức khỏe
Những năm gần đây, trà detox đã trở thành một phần không thể thiếu trong xu hướng chăm sóc sức khỏe của nhiều người. Với khả năng giải độc cơ thể, thanh lọc và cải thiện sức khỏe, trà detox đã chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng.
Bài toán nan giải từ rác thải nhựa ngành F&B
Sự phát triển nhanh chóng của ngành F&B, với sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng đồ uống, thức ăn nhanh, đã mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng kéo theo một hệ lụy đáng lo ngại: lượng rác thải nhựa khổng lồ từ bao bì dùng một lần.
Vì sao chỉ hơn 2 năm từ khi chuyển sang thuần điện, VinFast đã là số 1 tại Việt Nam?
Giới chuyên gia nhìn nhận, mốc son lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi hãng xe nội địa VinFast vượt lên hết tất cả các hãng xe ngoại để trở thành số 1 thị trường, đến từ chiến lược nhất quán về sản phẩm tốt nhất, mức giá tốt nhất, cùng chính sách hậu mãi xuất sắc nhất.