Báo cáo sai hạn, Công ty Nhựa Pha Lê (PLP) bị UBCKNN xử phạt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (Mã HoSE: PLP).
Cụ thể, UBCKNN đã xử phạt 60 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Trong đó, Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN, trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và trên trang thông tin điện tử của Công ty các tài liệu như văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 2/2021 so với quý 2/2020; Báo cáo tài chính (BCTC) (riêng và hợp nhất) năm 2022 đã được kiểm toán; Văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh trên BCTC (riêng và hợp nhất) năm 2022; Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC năm 2022.
Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của HOSE các tài liệu như BCTC hợp nhất quý 3/2021; Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CĐHH và đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; Văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh năm 2021 so với năm 2020 và chênh lệch trước và sau khi kiểm toán; BCTC bán niên (riêng và hợp nhất) năm 2022 đã được soát xét.
Công ty thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn đối với các tài liệu của đợt trái phiếu riêng lẻ gồm BCTC năm 2021; Báo cáo tình hình tài chính năm 2021; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn năm 2021).
Đồng thời, phạt thêm 60 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.
Trong đó, Công ty không trình bày đầy đủ thông tin tại Báo cáo thường niên, Báo cáo tình hình quản trị công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục IV, V ban hành kèm theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC.
Báo cáo thường niên năm 2021 chưa trình bày cụ thể về địa bàn kinh doanh tại mục 2 Phần I; chưa trình bày về các công ty con, công ty liên kết. Báo cáo thường niên năm 2022 chưa trình bày về nội dung vốn đầu tư của chủ sở hữu tại Công ty tại mục 1 Phần I; Vốn điều lệ thực góp tại Công ty con, công ty liên kết tại mục 3 Phần I; Hoạt động và tình hình tài chính của các công ty con, công ty liên kết tại mục 3.
Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021 của Công ty trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch của Công ty với người nội bộ, người có liên quan, Công ty con, Công ty Liên kết của Công ty. Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch giữa Công ty với các bên liên quan, cụ thể: chưa trình bày về giao dịch góp vốn đầu tư với CTCP Thương mại & Du lịch Tân Việt An; chuyển nhượng cổ phần của Trần Hoài Phong).
Được biết, Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (tiền thân là Công ty cổ phần Khoáng Sản Pha Lê) được thành lập vào năm 2008. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty là ông Mai Thanh Phương đang năm giữ 21,09% cổ phần.
Công ty khởi đầu từ một nhà máy khai khoáng nhỏ, đã phát triển thành một doanh nghiệp có tiếng với đầy đủ chức năng đặt trụ sở tại Hà Nội và có hai chi nhánh chiến lược tại thành phố cảng Hải Phòng và Nghệ An. Hiện tại Pha Lê đang sở hữu 5 mỏ khoáng sản – 2 mỏ đá Granite tại Ninh Thuận, 3 mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nghệ An và đặc biệt là mỏ đá CaCO3 tại núi Thung Hung, Quỳ Hợp có diện tích trên 10 ha.
Anh Thư