Áp lực từ thuế quan, Becamex IDC hoãn phiên đấu giá lịch sử
Cú sốc từ thuế quan khiến thị trường chứng khoán lao đao đã buộc Becamex IDC phải hoãn phiên đấu giá cổ phiếu lịch sử.
Cổ phiếu Becamex lao dốc
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC (mã: BCM) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tạm hoãn đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ.
Theo lý giải từ ban lãnh đạo, quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo lợi ích cho Tổng công ty và cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang đối mặt với nhiều biến động bất lợi. Thông tin chính thức về việc tạm hoãn sẽ được công bố tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Trước đó, Becamex IDC đã lên kế hoạch chào bán 300 triệu cổ phiếu thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), dự kiến diễn ra vào 9h00 ngày 28/4/2025. Với mức giá khởi điểm 69.600 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chào bán tối thiểu lên đến gần 21.000 tỷ đồng.

Mức giá khởi điểm này cao hơn khoảng 40% so với kế hoạch ban đầu và gấp gần 5 lần giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024. Đây được xem là một trong những đợt đấu giá có quy mô lớn nhất kể từ giai đoạn cao điểm thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016–2018.
Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của Becamex IDC sẽ tăng từ 10.350 tỷ đồng lên 13.350 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu có thể vượt mốc 41.000 tỷ đồng – gần gấp đôi so với hiện tại.
Tuy nhiên, giới đầu tư nhận định khả năng thành công với mức giá gần 70.000 đồng/cổ phiếu là không dễ đạt được, đặc biệt trong bối cảnh cổ phiếu BCM đã giảm mạnh do ảnh hưởng từ tâm lý thị trường tiêu cực trước các động thái gia tăng thuế quan từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong vòng một năm qua, BCM từng ghi nhận mức tăng mạnh từ 51.000 đồng lên đỉnh 78.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ trong 7 phiên gần nhất, mã này đã lao dốc 25,5%, rơi về vùng giá 56.500 đồng – gần bằng đáy một năm trước. Dù hồi phục trần trong phiên 10/4 khi thị trường khởi sắc, BCM lập tức quay đầu giảm mạnh trong phiên 11/4.
Đáng chú ý, Công ty Chứng khoán SSI (mã: SSI) – đơn vị tư vấn và phân phối độc quyền cho đợt chào bán – cũng đã thông báo tạm hoãn buổi Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu BCM, vốn dự kiến tổ chức ngày 10/4, do ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan ngoài dự tính.
Áp lực từ thuế quan đè nặng nhóm khu công nghiệp
Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua một đợt rung lắc mạnh sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố chính sách thuế quan đối ứng áp lên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam với mức thuế lên đến 46%. Tuy nhiên, mới đây, ông Trump đã "quay xe" và thông báo tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đối với phần lớn quốc gia (ngoại trừ Trung Quốc), nhằm tạo dư địa cho các cuộc đàm phán.
Dù vậy, tâm lý lo ngại vẫn bao trùm, đặc biệt là với nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp – lĩnh vực từng được đánh giá cao nhờ làn sóng FDI và xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trước thời điểm chính sách thuế đối ứng được công bố, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư nước ngoài nhờ vị trí chiến lược, chi phí nhân công cạnh tranh và các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các chính sách thuế mới được công bố bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức cho thị trường bất động sản Việt Nam. Ba phân khúc chịu ảnh hưởng rõ nét nhất bao gồm bất động sản công nghiệp, thương mại văn phòng và nhà ở.

Trong đó, bất động sản công nghiệp – vốn được xem là "ngôi sao sáng" của thị trường nhờ đà tăng trưởng bền vững suốt thời gian qua – sẽ đối mặt với những tác động rõ rệt. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp quốc tế từng chọn Việt Nam như một điểm đến để né tránh thuế quan giờ đây sẽ phải xem xét lại chiến lược đầu tư. Nhiều nhà đầu tư có thể không tiếp tục mở rộng hoặc duy trì quy mô hiện tại, mà chuyển sang các thị trường khác phù hợp hơn trong dài hạn.
Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến quyết định của các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Không ít nhà đầu tư sẽ tạm hoãn việc triển khai, cần thêm thời gian đánh giá và so sánh lợi thế giữa các quốc gia trong khu vực. Điều này dẫn đến nguy cơ đình trệ các kế hoạch phát triển khu công nghiệp mới, cũng như trì hoãn mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu.
Bên cạnh đó, việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ khiến giá bán sản phẩm tăng lên, làm suy giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hệ quả kéo theo là hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp. Trong kịch bản xấu, một số cơ sở sản xuất có thể phải thu hẹp quy mô, dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động trên diện rộng.
Báo cáo từ KB Research cho biết, trong ngắn hạn (2025–2026), nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng tạm dừng giải ngân cho các dự án xây dựng nhà máy đã đăng ký. Về dài hạn, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ phục hồi, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp hướng tới thị trường ngoài Mỹ. Việt Nam vẫn giữ được những lợi thế nền tảng như lực lượng lao động giá rẻ, vị trí giao thương thuận tiện và chính sách thu hút đầu tư ổn định.
Tuy nhiên, KB Research cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng thận trọng hơn, trì hoãn kế hoạch mở rộng trong 1–2 năm tới. Nguyên nhân là do công suất sản xuất dành cho thị trường Mỹ đang dư thừa, và cần thêm thời gian để dịch chuyển đơn hàng sang các thị trường thay thế.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại phiên bản mới ngày càng leo thang, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Rủi ro gia tăng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và lợi nhuận trong năm 2025.