Áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng bắt đầu từ 2023
Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) và quy định phê duyệt hồ sơ thiết kế của cơ quan quản lý Nhà nước” do Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (Vecas) tổ chức vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, ngày 17/3/2023 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Bắt đầu từ năm 2023 áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Quyết định quy định đối với các dự án, công trình xây dựng bắt buộc áp dụng BIM, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.
Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, Chủ đầu tư cung cấp tệp tin BIM khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình theo lộ trình: công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ năm 2026, bổ sung thêm công trình cấp II.
Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.
Từ năm 2023, đối với công trình áp dụng BIM, cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu.
Chủ đầu tư các dự án áp dụng BIM theo lộ trình quy định có trách nhiệm tổ chức cập nhật mô hình BIM để phục vụ quá trình quản lý, vận hành và bảo trì công trình.
Quyết định khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng sớm hơn thời gian quy định trong lộ trình.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về quy định, hướng dẫn về chi phí cho các chủ thể áp dụng BIM (thuê tư vấn quản lý BIM giúp chủ đầu tư, chi phí sử dụng BIM của nhà thầu thi công, cập nhật mô hình BIM phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì công trình xây dựng); Xây dựng hệ thống công cụ, chỉ tiêu định mức kinh tế-kỹ thuật liên quan đến việc áp dụng BIM; Xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về BIM để đồng bộ hóa với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động đầu tư xây dựng...
Các chuyên gia đến từ Singapore và Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm áp dụng BIM để tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí trong xây dựng.
Ông Tan Jiann Woei đến từ Singapore cho biết, Singapore áp dụng BIM từ 2013 bằng hình thức sử dụng kỹ thuật số tích hợp. Có nghĩa sử dụng 2 phầm mềm về quản lý dự án và phầm mềm thiết kế làm tăng năng suất lao động lên 40%, ít sai sót hơn. Tại Singapore nộp các quy trình cho nhiều cơ quan khác nhau để họ rà soát đánh giá, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm tra qua cổng Corenet X.
Còn tại Nhật Bản thì ban hành các chính sách xây dựng trung tâm dữ liệu. Tuy Nhật Bản không sử dụng 100% BIM nhưng bắt buộc trong thiết kế, xây dựng và một số nhiệm vụ phải sử dụng BIM từ 2023.