Yên Bái: Cần làm rõ việc khai thác khoáng sản tại Văn Yên
Lãnh đạo UBND xã An Thịnh khẳng định, tại vị trí trên không đơn vị nào được cấp phép khai thác sát sỏi.
Hiện nay, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép diễn ra ngày càng phức tạp và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Mặc dù, việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khai thác vàng trái phép đã có những quy định và hình thức xử lý cụ thể thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên quốc gia, tình hình trật tự an toàn xã hội.
Đơn cử như hoạt động khai thác vàng trái phép tại Thôn Chè Vè, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đang diễn biến hết sức phức tạp. Hoạt động này đã tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý, kéo theo đó là việc tài nguyên nơi đây đang bị thất thoát, cảnh quan bị biến dạng và môi trường bị ô nhiễm…
Nằm cách trung tâm huyện khoảng 7 – 8 Km, địa điểm khai thác vàng trái phép được đơn vị lắp đặt các thiết bị được cho là để phục vụ công cuộc đãi, lấy vàng tại khu vực ngòi Thia, thuộc thôn Chè Vè, xã An Thịnh (Văn Yên, Yên Bái). Hoạt động này diễn ra giữa ban ngày một cách rầm rộ, công khai với quy mô lớn nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Qua tìm hiểu và ghi nhận phản ánh của người dân, đơn vị này đã hoạt động khai thác tại đây khoảng hơn 1 năm, có đợt cao điểm họ sử dụng 4 – 5 máy xúc cỡ lớn.
Chiều ngày 16/5, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề trên, ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Chúng tôi chưa nhận thông tin nào về việc khai thác vàng tại khu vực trên. Chỗ đó, tôi đã cho cán bộ đi kiểm tra rất nhiều lần rồi.
Ngày trước, tại đây có hoạt động khai thác cát sỏi nhưng thời điểm hiện tại không còn nữa. Việc khai thác vàng cũng không có do huyện cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra. Hôm nay nhận được phản ánh của cơ quan báo chí, tôi xin cảm ơn và tiếp nhận, đồng thời sẽ giao cho cơ quan tiếp tục kiểm tra...
Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và không phát hiện hoạt động khai thác vàng trái phép thế nhưng, theo ghi nhận của Phóng viên, ngày 15/5/2024, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại đây diễn ra một cách công khai như một đại công trường quy mô rầm rộ. Mỗi ngày có đến hàng trăm khối cát sỏi được bóc tách và vận chuyển cát sỏi đi bán để kiếm lời bất chính.
Qua quan sát, đơn vị đã tự ý san gạt một con đường nối ngang qua bờ bên kia tới một bãi bồi rộng lớn đã bị đào bới nham nhở, moi móc thành những gò đống, hủm hố khiến địa hình biến dạng phức tạp để lấy cát sỏi xô bồ thuộc thôn Trung Tâm, xã Yên Phú, sau đó số lượng cát, sỏi này được đơn vị vận chuyển về thôn Chè Vè, xã An Thịnh.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin, Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tiếp cận một người đàn ông tên Dương – tự nhận là chủ đơn vị đang khai thác vận chuyển cát sỏi và tận thu vàng sa khoáng.
Khi mới tiếp cận, người đàn ông tên Dương tỏ vẻ nghi ngờ, kiệm lời và không muốn chia sẻ mà chỉ nói: “Ở đây bọn em làm cát sỏi để bán cho người dân quanh làng thôi. Lượng cát không có nhiều, toàn sỏi nên phải sàng sỏi ra để lọc thì mới có cát”. Khi Phóng viên hỏi 1 ngày có làm được vài chỉ vàng không, ông chủ Dương vội nói: “Không có đâu, đây toàn bãi bồi chủ yếu làm cát là chính”.
Tuy nhiên, qua một khoảng thời gian chia sẻ về kinh nghiệm khai thác vàng, người đàn ông tên Dương này đã bớt đề phòng và cùng di chuyển đến gần khu vực sàng tuyển cát, sỏi. Tại đây, Phóng viên nhận thấy phía trong khu vực máng sàng, đơn vị có dải thảm xanh với mục đích lấy vàng. Bởi khi nước và bùn đất chảy qua, những tấm thảm này có tác dụng giữ cho vàng đọng lại không bị trôi, đến cuối ngày người ta mới đưa những tấm thảm này ra rũ vào xô chậu để lọc vàng.
Đứng gần sàng tuyển cát, sỏi người đàn ông tên Dương thừa nhận tại đây đơn vị có làm vàng: “Ở đây còn nhiều bãi lắm, nhiều bãi rộng và đẹp lắm làm bãi đó chắc chắn là lên, chứ ở đây toàn bãi bồi, cả tuần mới được vài phân vàng…”.
Qua quá trình tìm hiểu, Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã ghi lại toàn bộ hoạt động đãi vàng và cát, sỏi. Cụ thể, trong quá trình sàng tuyển cát, sỏi đơn vị này lắp đặt thêm những tấm thảm màu xanh tại vị trí tấm trượt trên hệ thống sàng tuyển để thuận tiện cho việc khai thác vàng. Ngoài ra, các thiết bị phục vụ khai thác bao gồm: 2 máy xúc cỡ lớn, 4 chiếc ô tô, 1 máng sàng tuyển để lấy vàng và cát, sỏi…
Từ thực tế có thể thấy, hoạt động khai thác tại đây rất quy mô và bài bản như một mỏ khoáng sản được cơ quan chức năng có thầm quyền cấp phép. Thế nhưng, trao đổi với Phóng viêng ngày 16/5, ông Triệu Quốc Toản - Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: “ Tại khu vực trên, chỉ có việc khai thác cát sỏi thôi chứ không có việc khai thác vàng. Tôi sẽ cho anh em xuống kiểm tra ngay xem sao”.
Còn về việc có đơn vị nào được cấp phép tại đây không? - Vị lãnh đạo xã An Thịnh cho hay: “Tại đây cũng không có điểm mỏ nào được cơ quan chức năng cấp phép”.
Tuy nhiên, việc các đối tượng ngang nhiên vận chuyển, lắp đặt máy móc, thiết bị đãi vàng một cách rầm rộ trong một thời gian dài nhưng các cơ quan chưa nắm bắt và có biện pháp xử lý khiến dư luận có nhiều băn khoăn về câu chuyện trách nhiệm quản lý địa bàn.
Để làm rõ vấn đề trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Nước ta.
Trao đổi về tình trạng khai thác khoáng sản, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cảnh báo. "Khai thác khoáng sản trái phép, không phép làm giảm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Điều này cũng làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do không thu được thuế và phí khai thác.
Bên cạnh đó, khai thác khoáng sản trái phép, không phép còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, phá hủy cảnh quan thiên nhiên, làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Đặc biệt, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép có thể gây ra những hiện tượng thiên tai như sạt lở đất, lũ lụt, động đất, vỡ đập... gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân.
Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực khai thác do bị mất đi nguồn nước sạch, không gian sống xanh và yên tĩnh; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm môi trường như ung thư, bệnh hô hấp, bệnh da... Việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép cũng có thể gây ra những xung đột xã hội do tranh chấp quyền sở hữu và sử dụng đất đai, gây mất an ninh trật tự".
Thực hiện Công văn số 8488/BTNMT-KSVN ngày 4/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản; Công văn số 3454/UBND-TNMT ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao về lĩnh vực khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái yêu cầu các doanh nghiệp thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện nghiêm theo các nội dung đã ban hành.
Trong đó, Công văn số 3454/UBND-TNMT ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Về khai thác khoáng sản, thực hiện khai thác khoáng sản theo đúng nội dung Giấy phép khai thác được cấp. Không được phép khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép, khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi, ranh giới, diện tích được cấp phép, khai thác khoáng sản vượt độ sâu được cấp phép khai thác, khai thác khoáng sản vượt công suất được phép khai thác...)
Đỗ Tuấn