Xuất siêu của Việt Nam trong tháng 1/2023 ước đạt 3,6 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1-2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 1/2023 của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 giảm 21,3%, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước giảm 27,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 19%.
Trong tháng 01/2023 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt, may; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong tháng 1, công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất so với nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu khoáng sản. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết, chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành giấy, xi măng, thép, phân, đạm, hóa chất và một số sản phẩm chế biến, bánh kẹo... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này.
Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô,... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến đều giảm so với cùng kỳ năm trước, do đó tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến trong tháng 01/2023 ước giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 21,52 tỷ USD. Hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 245 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 2,14 tỷ USD, chiếm 19,8%.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu tháng 01/2023, hầu hết xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của ta đều giảm mạnh. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD, giảm 28,5%. Tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 14%; EU ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 33,8%; Nhật Bản ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4%; Hàn Quốc ước đạt 1,65 tỷ USD, giảm 18,4%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD. Tháng 01/2023 xuất siêu sang EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 100 triệu USD giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các ngành hàng, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022. Đây là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực, sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.