Xử lý triệt để vụ việc gây lãng phí lớn, bức xúc trong dư luận
Chính phủ yêu cầu tăng phòng ngừa, giám sát và xử lý nghiêm hành vi lãng phí, nhất là những vụ gây bức xúc dư luận, tạo hiệu ứng răn đe, lan tỏa.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 806/QĐ-TTg ngày 22/4 ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là khắc phục hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí.
Đồng thời, hướng tới việc xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, cần cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới và đứng thứ ba trong ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.
Một trong những nội dung trọng tâm là tăng cường các biện pháp phòng ngừa; đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí. Xử lý triệt để những vấn đề, vụ việc gây lãng phí lớn, bức xúc trong dư luận, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Chiến lược nêu rõ 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm:
Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí; Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả; Quản lý, sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực, tài lực hiệu quả, tăng cường tính bền vững; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; Tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí lớn, các ngân hàng thương mại yếu kém; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ việc lãng phí; Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân trong phòng, chống lãng phí; Tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Đồng thời, chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa; rà soát, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi triệt để tiền, tài sản nhà nước; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035 được thực hiện theo hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất (2025 - 2030): Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục bất cập của hệ thống pháp luật để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XV, Khóa XVI; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lãng phí.
Giai đoạn thứ hai (2031-2035): Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống lãng phí và tình hình thực tiễn xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2031 - 2035 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược. Tổng kết việc thực hiện Chiến lược vào năm 2036.