Xử lý nghiêm hai đối tượng vận chuyển hổ trái phép
Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa tuyên phạt hai đối tượng, mỗi đối tượng 12 tháng tù về hành vi vận chuyển trái phép một cá thể hổ.
Hai đối tượng là Ngô Sỹ Thành (sinh năm 1976, trú tại xóm Tân Mỹ, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Trí Ngọc (thôn Tân Mùng, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), mỗi đối tượng nhận mức án 12 tháng tù.
Trước đó ngày 04/07/2023, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ hai đối tượng nói trên khi đang vận chuyển trái phép 01 cá thể hổ còn sống khối lượng 235kg.
Đáng chú ý, tháng 11/2022, Ngô Sỹ Thành đã bị Tòa án nhân dân huyện Điện Biên tuyên phạt 500 triệu đồng cũng cho hành vi vận chuyển trái phép một cá thể hổ từ Nghệ An lên Điện Biên. Chỉ hơn nửa năm sau khi bị tuyên án, đối tượng Thành lại tiếp tục bị phát hiện tham gia vận chuyển hổ trái phép ngay trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
“Hoạt động vận chuyển, buôn bán hổ trái phép không phải là hoạt động phạm tội diễn ra tự phát mà có sự móc nối và phối hợp chặt chẽ giữa các đối tượng tham gia. Nói cách khác, không phải ai cũng đi “buôn hổ” được. Với khung hình phạt tối đa lên đến 5 năm tù cho mức độ vi phạm của đối tượng, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã mong đợi một bản án thích đáng hơn dành cho đối tượng Thành. Chúng ta cần những mức hình phạt đủ sức răn đe hơn nữa với các đối tượng buôn bán hổ, đặc biệt là với một đối tượng mà chỉ trong một thời gian ngắn đã 2 lần liên tiếp bị phát hiện vận chuyển hổ trái phép như đối tượng Thành", bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ.
Trong thời gian qua, tình trạng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép vẫn là một vấn nạn nhức nhối, đặc biệt là tại Quỳnh Lưu – một trong ba điểm nóng về tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hoạt động nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép tại Nghệ An tuy chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ các đối tượng nhưng lại đang gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hình ảnh và nỗ lực của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD).
Trước tình hình này, ENV đã nhiều lần chia sẻ thông tin đến chính quyền và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét các giải pháp tổng thể để xóa bỏ dứt điểm tình trạng nuôi nhốt, buôn bán hổ và ĐVHD khác trái phép trong thời gian dài.
Theo đó, một trong các giải pháp được đề ra là tập trung nguồn lực điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng cầm đầu các đường dây thực hiện hoạt động nuôi nhốt và buôn bán hổ cũng như đảm bảo các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý và nhận những mức án thích đáng cho hành vi phạm tội của mình.
Thu Quỳnh