0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 07/07/2025 17:00 (GMT+7)

Xóa sổ thẻ từ: Cánh cửa khép lại cho rủi ro bảo mật

Theo dõi KT&TD trên

Một trong những thay đổi lớn nhất từ ngày 1/7 là việc ngưng hoàn toàn giao dịch qua thẻ từ ATM, loại thẻ phổ biến trong hơn hai thập kỷ qua tại Việt Nam.

Thay vào đó, người dùng bắt buộc chuyển sang thẻ chip hoặc thẻ phi vật lý nếu không muốn bị gián đoạn trong các giao dịch như rút tiền, chuyển khoản hay thanh toán.

Thêm lớp bảo vệ trước tội phạm tài chính

Thẻ từ vốn hoạt động dựa trên công nghệ lưu trữ dữ liệu “tĩnh”, dễ bị sao chép và làm giả. Trong khi đó, thẻ chip sử dụng công nghệ mã hóa “động” thông minh, giúp gần như loại bỏ nguy cơ bị sao chép, tạo điều kiện đảm bảo an toàn cho cả khách hàng và ngân hàng. Chính vì vậy, việc loại bỏ thẻ từ là bước đi cần thiết trong lộ trình nâng cấp bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế của Ngân hàng Nhà nước.

Các ngân hàng thương mại như Eximbank, Agribank, Vietcombank… đã đồng loạt triển khai các chiến dịch hỗ trợ chuyển đổi thẻ miễn phí, đồng thời tổ chức đổi thẻ lưu động tại vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít tiếp cận với dịch vụ ngân hàng điện tử. Sự chủ động này góp phần giúp lộ trình nâng cấp bảo mật diễn ra thuận lợi, không gây xáo trộn lớn cho người dùng.

Không chỉ dừng ở thẻ cá nhân, Thông tư 17/2024 của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết chặt tài khoản doanh nghiệp bằng yêu cầu xác thực sinh trắc học người đại diện pháp luật. Kể từ ngày 1/7/2025, các tài khoản không hoàn thành bước xác thực này sẽ bị tạm dừng chức năng giao dịch trực tuyến, một bước đi mạnh tay nhằm ngăn chặn tình trạng tài khoản “ma”, rửa tiền, hoặc mạo danh doanh nghiệp.

Xóa sổ thẻ từ: Cánh cửa khép lại cho rủi ro bảo mật
Ảnh minh hoạ.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, hơn 711.000 hồ sơ doanh nghiệp đã được đối chiếu sinh trắc học, tương đương 66% tổng số tài khoản phát sinh giao dịch trên kênh điện tử. Điều này cho thấy nhận thức và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực, nhưng cũng đồng nghĩa với việc còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp chưa hoàn tất cập nhật và có nguy cơ bị gián đoạn giao dịch.

Nhiều ngân hàng như SHB, MB, VietinBank… đã nhanh chóng triển khai giải pháp đồng bộ sinh trắc học từ tài khoản cá nhân sang doanh nghiệp nếu người đại diện pháp luật là cùng một người. Đây là bước tiến nhằm giảm thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Tuy vậy, với những chủ doanh nghiệp đang sinh sống hoặc làm việc ở nước ngoài, yêu cầu xác thực trực tiếp tại Việt Nam vẫn là rào cản đáng kể.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đang xem xét điều chỉnh Thông tư 17 theo hướng miễn trừ hoặc nới lỏng quy định với một số nhóm đặc thù như doanh nghiệp thuộc Top 500 toàn cầu, doanh nghiệp niêm yết, cơ quan nhà nước... Dự kiến, bản sửa đổi thông tư sẽ được ban hành trong tháng 9/2025.

An toàn số không phải là lựa chọn, mà là bắt buộc

Trong bối cảnh số hóa tài chính diễn ra nhanh chóng, việc đảm bảo an toàn giao dịch số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, không chỉ đe dọa tài sản cá nhân mà còn ảnh hưởng đến uy tín và sự ổn định của cả hệ thống tài chính. Chính vì vậy, các giải pháp mới của Ngân hàng Nhà nước được xem là “lá chắn” chủ động, không chờ sự cố rồi mới ứng phó.

Việc xóa bỏ thẻ từ vốn là “lỗ hổng bảo mật di động” và buộc doanh nghiệp xác thực sinh trắc học đều là những bước đi mang tính căn cơ. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng triệu tài khoản cá nhân và tổ chức đang “ngủ đông” hoặc không xác định rõ danh tính, việc siết chặt quy trình xác thực chính là tiền đề để ngăn chặn rửa tiền, giao dịch ảo, lừa đảo xuyên biên giới...

Tuy nhiên, để quá trình này đạt hiệu quả tối ưu, sự đồng hành của người dùng và doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết. Không ít người vẫn chưa hình dung được mức độ nguy hiểm khi thông tin tài khoản bị đánh cắp, hoặc xem nhẹ việc chuyển đổi thẻ, xác thực sinh trắc học... Điều này đòi hỏi công tác truyền thông, hướng dẫn phải sâu sát, liên tục và dễ tiếp cận hơn nhất là ở vùng sâu vùng xa hoặc với người lớn tuổi, người không rành công nghệ.

Thanh toán không tiền mặt đang là xu hướng chủ đạo không thể đảo ngược. Nhưng quá trình số hóa sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi hạ tầng được đảm bảo an toàn, minh bạch và có khả năng bảo vệ quyền lợi người dùng ở mức cao nhất.

Việc loại bỏ thẻ từ, xác thực sinh trắc học không chỉ là một thay đổi kỹ thuật. Đó là bước chuyển mình có tính chiến lược, nhằm xây dựng một nền tảng tài chính số hiện đại và đáng tin cậy hơn cho Việt Nam, nơi người dân có thể yên tâm giao dịch, doanh nghiệp có thể vận hành an toàn và hệ thống tài chính được bảo vệ khỏi những rủi ro lớn trong tương lai.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Quỳnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): “Thẻ từ là công nghệ đã lỗi thời, dễ bị làm giả và dễ bị skimming (sao chép dữ liệu trái phép). Việc ngân hàng tiếp tục duy trì thẻ từ không khác gì để ngỏ cửa cho hành vi gian lận tài chính phát sinh”.

Luật sư Quỳnh nhấn mạnh, các vụ mất tiền qua thẻ ngân hàng do bị đánh cắp dữ liệu thẻ từ vẫn rải rác xảy ra trong những năm gần đây, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng và ngân hàng. Trong khi đó, thẻ chip vốn đã được áp dụng phổ biến ở các quốc gia phát triển có khả năng mã hóa dữ liệu động, gần như không thể sao chép bằng các thiết bị thông thường.

Từ góc độ pháp lý, luật sư Quỳnh phân tích thêm: “Theo Luật An toàn thông tin mạng, tổ chức tài chính phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân và tài chính của khách hàng. Việc tiếp tục sử dụng thẻ từ dù biết rõ rủi ro có thể khiến ngân hàng phải đối mặt với trách nhiệm bồi thường nếu có sự cố”.

Vì vậy, quyết định xóa sổ thẻ từ không chỉ là lựa chọn kỹ thuật, mà còn là cam kết pháp lý và đạo đức của ngành ngân hàng đối với khách hàng.

Bạn đang đọc bài viết Xóa sổ thẻ từ: Cánh cửa khép lại cho rủi ro bảo mật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hút vốn ngoại từ cải cách đầu tư
FDI vào Việt Nam nửa đầu năm đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Chính sách ưu đãi, cải cách đơn giản hoá thủ tục và mô hình “một cửa” được kỳ vọng tiếp tục hút vốn ngoại trong thời gian tới.
Đầu tư thông minh: Biến rủi ro thành cơ hội
Trong thế giới đầu tư đầy biến động, khả năng nhận diện và chuyển hóa rủi ro thành cơ hội đã trở thành yếu tố phân biệt giữa các nhà đầu tư thành công và những người chỉ đơn thuần may mắn.
Dòng vốn FDI và cơ hội cho nhà đầu tư trong nước
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập sâu rộng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một yếu tố quan trọng định hình cảnh quan đầu tư của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Tin mới

Chơi Poker có hợp pháp tại Việt Nam?
Thời gian gần đây, tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều các câu lạc bộ Poker. Các đơn vị này thường xuyên tổ chức giải đấu theo hình thức bán vé tham dự, với mức phí dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng.
Hút vốn ngoại từ cải cách đầu tư
FDI vào Việt Nam nửa đầu năm đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Chính sách ưu đãi, cải cách đơn giản hoá thủ tục và mô hình “một cửa” được kỳ vọng tiếp tục hút vốn ngoại trong thời gian tới.