Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ đầu tư tài chính xanh
Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ trong những năm tới cho đầu tư tài chính xanh. Trong khi nguồn lực của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.
Trong Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển năm 2022, Ngân hàng Thế giới đã đề cập tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, cần triển khai nhiều chính sách và đầu tư công-tư để giảm cường độ carbon trong tăng trưởng.
Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm; trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.
Điều này cho thấy để thực hiện cam kết trên, Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ trong những năm tới. Trong khi nguồn lực của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính, việc phát triển tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon được cho là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy vậy, việc triển khai các cơ chế tài chính này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đòi hỏi chính sách, khung pháp lý thời gian tới phải được hoàn thiện hơn.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Tại hội thảo “Tài chính Xanh và thị trường Tín chỉ carbon" ngày 6/9, các chuyên gia cho rằng Tài chính Xanh và thị trường carbon (tín chỉ carbon) đều là những cơ chế tài chính có thể đóng góp vào công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức môi trường. Tuy nhiên việc đầu tư phát triển tài chính xanh vẫn còn nhiều hạn chế.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhiều năm trước Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Hiện các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam cũng chưa có nhiều.
Trên thế giới, lũy kế đến nay có khoảng 2.400 tỷ USD Trái phiếu Xanh được phát hành. Tại Mỹ, đã phát hành được 400 tỷ USD Trái phiếu Xanh. Trong khi đó ở Việt Nam, mới chỉ có 3 doanh nghiệp phát hành Trái phiếu Xanh với số lượng phát hành rất khiêm tốn. Đó chưa kể không biết có bao nhiêu nhà đầu tư đã mua loại trái phiếu này.
Trên thị trường chứng khoán cũng chưa nghe đến trái phiếu xanh mà chỉ mới phát hành trên thị trường trái phiếu riêng lẻ. Điều này cho thấy vấn đề về tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề: sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì; dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; và báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.
Cần xây dựng các ưu đãi về chính sách
Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hà (Đại học Kinh tế TP. HCM), với vai trò trung tâm tài chính, TP. HCM cần xây dựng các ưu đãi chính sách làm giảm rào cản gia nhập cho tín dụng xanh, thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành. Đặc biệt, TP. HCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98/2023/QH15 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. “Thành phố nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới là xanh hóa và số hóa”, ThS Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Giải thích rõ hơn về trái phiếu xanh, TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Vương quốc Anh) gợi ý: “Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, hoặc doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho các dự án xanh, dự án bền vững với môi trường và thúc đẩy chuyển sang một nền kinh tế ít khí thải. Các trái phiếu này được ban hành kèm theo các điều khoản đặc biệt về cơ chế trả nợ, truy đòi hoặc miễn truy đòi từ tổ chức phát hành.
Trái phiếu xanh nói riêng và tín dụng xanh nói chung là một công cụ để huy động vốn cho các dự án xanh, dự án bền vững với môi trường và thúc đẩy chuyển sang một nền kinh tế ít khí thải. Đây là cách huy động vốn cho phát triển bền vững dài hạn. Ngoài ra, đây cũng là một nguồn vốn thúc đẩy doanh nghiệp chuyển sang các công nghệ phát ra ít khí thải hơn”.
Còn thị trường tín chỉ carbon có thể hiểu như thế nào? Đây là loại hình thị trường mà hàng hóa tín chỉ carbon được trao đổi, mua bán thông qua lượng khí nhà kính được giảm (phát thải hoặc hấp thụ) trong quá trình hoạt động giữa bên mua và bên bán.
Thị trường carbon với các quy định rõ ràng công bằng, minh bạch dựa trên cơ chế định giá carbon và nguyên tắc “Thuận mua - vừa bán”, “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, giúp các quốc gia, chính phủ đạt được lợi ích giảm phát thải, tái cấu trúc nền kinh tế và hướng đến mục tiêu trung hòa carbon và hơn nữa là Net zero.
Các doanh nghiệp bán hạn ngạch hay tín chỉ carbon sẽ thu được khoản lợi nhuận, từ đó tái cấu trúc thêm cho doanh nghiệp và tiếp tục nỗ lực giảm phát thải. Bên mua tín chỉ carbon sẽ có lợi để đảm bảo chấp hành đúng các quy định của khu vực, quốc gia về phân bổ hạn ngạch và thuận lợi trong quá trình tham gia xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường như EU, Mỹ…
Cụ thể, khi tham gia thị trường carbon, về lâu dài các cơ sở, doanh nghiệp phát thải sẽ phải sử dụng các nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm phát thải từ nguồn lực nội bộ (tiết kiệm năng lượng, thay đổi công nghệ, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoặc nâng cấp công nghệ sản xuất sạch hơn), hoặc nghiên cứu những phương án lưu trữ, hấp thụ carbon (tăng cường trồng cây xanh). Việc lựa chọn các biện pháp giảm phát thải, bù trừ phát thải sẽ dựa trên phân tích chi phí lợi ích của các biện pháp và chiến lược của từng doanh nghiệp.
Anh Thư