Vì sao khó xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội?
Tính đến hết năm 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, tăng khoảng 2,7% so với năm trước đó và có gần 27.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trong nhiều năm qua, tình trạng chậm, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn kéo dài và vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Cả nước hiện có gần 2,8 triệu lao động bị nợ bảo hiểm
Có thời điểm, trên cả nước có đến 2,8 triệu người lao động bị các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 3-12 tháng, thậm chí là trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tính đến hết năm 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, tăng khoảng 2,7% so với năm trước đó và có gần 27.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
8 tháng chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đến nay Công ty TNHH May mặc Trọng Phú, Nghệ An đã 3 lần bị cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương nhắc nhở. Tổng số tiền nợ của doanh nghiệp hiện đã lên tới gần 3,8 tỷ đồng.
"Đơn hàng giảm đến 40-50% dẫn đến nguồn thu nhập của người lao động không có. Trước tình hình khó khăn như thế, công ty cũng đã thông báo đến số nợ cụ thể cho người lao động, cho cán bộ công nhân viên trong nhà máy được biết", bà Phan Thị Thơm - Phó Giám đốc Công ty TNHH May mặc Trọng Phú, Nghệ An nêu lý do.
Nhiều lần đến làm việc tại các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội để nắm tình hình, đốc thúc đóng bảo hiểm, thế nhưng cửa đóng then cài là cảnh mà những người làm bảo hiểm xã hội ở địa phương thường hay gặp phải. Tính đến nay, tại riêng thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, số nợ đóng bảo hiểm xã hội đã lên tới hơn gần 20 tỷ đồng.
"Bảo hiểm xã hội vào cuộc xử lý các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài thực sự vô cùng khó khăn. Bởi các quy định chế tài của các cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ là làm việc, đôn đốc và kiến nghị với các cơ quan chức năng", ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thị xã Duy Tiên, Hà Nam nêu thực tế.
Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ một tháng trở lên. Trong đó hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn.
Những cuốn sổ bảo hiểm là những thứ giấy tờ duy nhất mà gần 300 lao động của Công ty dệt 19/5 được nhận sau khi nghỉ việc. Và số tiền gần 14 tỷ đồng mà công ty nợ chưa chi trả đối với người lao động hiện nay vẫn chưa được thanh toán sau gần một năm mặc dù sự việc đã được chuyển sang cơ quan công an tỉnh Hà Nam.
Khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội có thể coi là của để dành quý giá của người lao động, cũng là số tiền tích lũy của họ khi về già để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với những sự cố nợ hàng chục tỷ tiền bảo hiểm xã hội như tại Công ty dệt 19/5 thì những người lao động đến tuổi về hưu đang chưa biết bấu víu vào đâu để trang trải cuộc sống.
Không thể phủ nhận khó khăn của doanh nghiệp trong thời kỳ hiện nay. Tuy nhiên cũng không ít doanh nghiệp đã lợi dụng tình trạng này để chậm và chây ì việc đóng bảo hiểm. Trong khi đó, có một nghịch lý là người lao động đã được khấu trừ tiền đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm nhưng doanh nghiệp lại không nộp. Đây là một nguy cơ dẫn đến mất cân đối thu chi cho bảo hiểm xã hội. Và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong tương lai.
Vì sao vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này?
Tại Điều 216, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người chây ỳ, trốn, hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự. Một số luật khác, trong đó có Luật Công đoàn có quy định: Tổ chức công đoàn có quyền thay mặt người lao động khởi kiện chủ đơn vị, doanh nghiệp trốn, nợ đọng BHXH kéo dài ra tòa án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Song, từ khi các đạo luật có hiệu lực pháp luật thì hầu như rơi bế tắc không thể triển khai trong thực tế.
Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH của đơn vị, doanh nghiệp trên toàn quốc là khá nhiều. Ở một số tỉnh, thành phố, tổ chức công đoàn cũng đã thực hiện việc thay mặt người lao động để khởi kiện ra tòa, nhưng hầu hết không giải quyết được vấn đề tồn tại. Khi một số tổ chức công đoàn nộp hồ sơ khởi kiện đã bị tòa án trả lại đơn với lý do: Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh không có quyền đại diện cho cơ quan BHXH kiện đòi BHXH, đồng thời việc kiện đòi BHXH cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Theo Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng, nếu theo quy định phải có sự ủy quyền của người lao động để công đoàn cơ sở có thể khởi kiện ra tòa thì khó khả thi, bởi tổ chức công đoàn không thể đủ nhân lực để “đi thu gom” ủy quyền của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người lao động trong doanh nghiệp. Cách duy nhất để người lao động bảo đảm quyền lợi của mình là phải tự mình khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, yêu cầu buộc đóng BHXH cho người lao động. Song, nếu mỗi người lao động phải tự khởi kiện ra tòa đòi BHXH, thì sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hồ sơ nộp tới tòa án gây quá tải.
Mặt khác, cũng ít có công đoàn cơ sở nào đứng ra khởi kiện chủ sử dụng lao động của chính họ. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động cũng không dám ủy quyền để kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần việc làm. Trong khi đó, doanh nghiệp luôn trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện. Hàng loạt khó khăn thách thức cả chủ quan và khách quan đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc quyền lợi được đóng BHXH của người lao động bị các đơn vị, doanh nghiệp xâm phạm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý hành chính đối với hành vi trốn, nợ đọng BHXH khó một thì việc xử lý hình sự khó mười. Việc thực hiện thủ tục tố tụng chưa nhất quán giữa các cơ quan có trách nhiệm. Ví dụ, các bên chưa thống nhất chung vì có quan điểm chưa cấu thành đầy đủ vi phạm về tội trốn đóng BHXH để khởi tố. Do vậy, đến nay chưa khởi tố được đơn vị nào.
Mặc dù đã có những quy định về việc xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế vì sự chồng chéo của các quy định dẫn tới xử lý rất khó khăn. Hầu hết các vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội được chuyển sang cơ quan công an nhưng không thể khởi tố.
Theo Trung tá Đặng Hoàng Định - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Công an tỉnh Bình Dương, đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì bắt buộc hành vi này đã bị xử lý hành chính.
"Có nghĩa là hành vi này ở đây có thể được hiểu là hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên các quy định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội thì lại xử phạt về hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội. Dẫn tới cái điều là không sát với cấu thành tội phạm theo bộ luật hình sự", Trung tá Đặng Hoàng Định, cho biết.
Các doanh nghiệp trốn đóng không thể xử lý, nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ ngày càng ít đi, trong khi tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế diễn ra khá phức tạp. Đây là vấn đề đặt ra trong việc sử dụng, quản lý các nguồn quỹ bảo hiểm.
Trước thực trạng này, ông Lê Đình Quảng, cho rằng cần tăng cường ý thức pháp luật cho người sử dụng lao động. Thêm nữa phải tiếp tục sửa đổi pháp luật, theo hướng tăng chế tài, tăng trách nhiệm bổ sung các chế tài để đảm bảo thực thi.
Nhiều quan điểm khác cũng được đưa ra như, hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp trốn đóng, để không mâu thuẫn đối với việc hoãn xuất cảnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Hoặc cơ quan chức năng sẽ phong tỏa hóa đơn của doanh nghiệp như cơ quan thuế khi doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng vấn đề này đang được tiếp tục lấy ý kiến và đưa vào Luật bảo hiểm (sửa đổi) trong thời gian tới.
Cho dù ở hình thức nào thì lạm dụng, trục lợi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hành vi cần phải chấm dứt và có các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn, xử lý răn đe.
Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, các chuyên gia lao động cho rằng cần bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội đưa ra trong thời gian nhất định, có thể là 3 tháng, công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, cần có các quy định đồng bộ, khả thi để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Minh Đức