Vì sao các tỉnh miền Bắc liên tục bị cắt điện trong những ngày qua?
Việc cắt giảm phụ tải điện tại Hà Nội là khó tránh khỏi khi toàn miền Bắc thiếu điện. Ngoài ra, nắng nóng gay gắt kéo dài tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện do nhiều thiết bị điện hoạt động ở ngoài trời trong môi trường nhiệt độ cao.
Trước diễn biến tình hình thời tiết nắng nóng cao độ thời gian qua, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Để bảo đảm việc cấp điện trên địa bàn Thành phố, bên cạnh các phương án bảo đảm cấp điện, tăng cường kiểm tra, rà soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nguy cơ quá tải, Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI) đã tăng cường các giải pháp kêu gọi người dân chung tay trong việc bảo đảm cấp điện an toàn.
Trước đó, từ đầu tháng 6 khi nắng nóng đỉnh điểm diễn ra ở miền Bắc, tình trạng mất điện diện rộng đã diễn ra. Nhiều hộ kinh doanh, gia đình tại các quận, huyện “trở tay không kịp” khi bị cắt điện đột ngột, kéo dài hơn 10 tiếng/ngày, hoặc giữa đêm khuya, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, sức khỏe giảm sút.
Theo một chuyên gia trong ngành điện, việc cắt giảm phụ tải điện tại Hà Nội là khó tránh khỏi khi toàn miền Bắc thiếu điện. Tuy nhiên, EVNHANOI cũng không chủ động trong việc cắt điện giữa thời tiết nắng nóng.
“Việc cắt điện đột ngột ở nhiều nơi là do lệnh giảm phụ tải để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện khi vận hành liên tục, nguy cơ xảy ra sự cố chứ không có lịch từ trước. Các lịch cắt điện công khai của EVNHANOI thường là lịch sửa chữa theo kế hoạch đối với hầu hết các khách hàng lớn, không phải khách hàng chỉ sử dụng điện sinh hoạt”- vị chuyên gia nói.
Theo EVNHANOI, nắng nóng gay gắt kéo dài tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện do nhiều thiết bị điện hoạt động ở ngoài trời trong môi trường nhiệt độ cao; một số đường dây, trạm biến áp vận hành bị quá tải ở một số thời điểm.
Để tránh quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, EVNHANOI đã tăng cường 100% quân số, ứng trực 24/24h để sẵn sàng khắc phục nhanh nhất có thể các sự cố về điện, khôi phục truyền tải.
Trên thực tế, cắt điện không chỉ diễn ra tại Hà Nội, mà diễn ra trên toàn miền Bắc, trong đó Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh… bị cắt khá dày, trong ngày chỉ có điện vài tiếng và xảy ra trong nhiều ngày.
Giải pháp ứng phó
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mùa hè năm nay, miền Bắc sẽ thiếu đến 4.900MW điện. Nhưng thực tế, những ngày qua, tình hình thủy văn không thuận lợi, nguồn thủy điện rất thấp, trong khi nhiệt điện chạy hết công suất nên không tránh khỏi sự cố.
Điển hình tại Quảng Ninh, chỉ có 3/7 nhà máy nhiệt điện hoạt động hết công suất do một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động vì nóng, chạy liên tục nguy cơ xảy ra sự cố.
Đến thời điểm cuối tháng 5-2023, sản lượng điện quy đổi còn lại trong hồ thủy điện toàn hệ thống là 2,35 tỷ kWh, thấp hơn 1,736 tỷ kWh so với kế hoạch năm, trong đó riêng miền Bắc thấp hơn 1,23 tỷ kWh.
Đến ngày 3/6/2023 hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết, trong đó có các hồ lớn bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng các thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành.
Tổng công suất không huy động được của các nhà máy thủy điện ở phía Bắc ở mức khoảng 5.000MW.
Do đó, trước tình hình khó khăn về cung ứng điện hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định. Hoàn thành việc này trước ngày 10/6/2023.
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong đó tập trung các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn khó khăn về cung ứng điện hiện nay; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 8/6/2023.
Lan Anh