Vì đâu doanh nghiệp không hấp thụ được vốn?
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn.
Áp lực lạm phát gia tăng
- Ông nhìn nhận như thế nào về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong 5 tháng vừa qua?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Kinh tế 5 tháng qua đã có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Đặc biệt, thương mại hàng hóa, xuất khẩu quốc tế đã tăng trưởng tích cực và cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức xuất siêu. Thêm vào đó, sự tăng trưởng của xuất khẩu dịch vụ đã góp phần bảo đảm cán cân thanh toán quốc tế cũng như hỗ trợ vào mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm nay.
Ngoài ra, chỉ số công nghiệp ước tính 5 tháng đầu năm tăng 6,8%. Đây cũng là dấu hiệu phục hồi đáng mừng, bởi công nghiệp vẫn là động lực quan trọng để đảm bảo cho tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra. Cuối cùng, FDI là điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực trong 5 tháng đầu năm, với số vốn đầu tư trực tiếp ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, chẳng hạn như rủi ro về lạm phát. Hiện, mức công bố của tháng 5 là 4,47% tức là gần với mức 4,5% mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Đáng chú ý, khả năng tác động của yếu tố đầu vào có thể làm tăng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm nay. Thêm vào đó, những biến động về một số loại tài sản như vàng hay tỷ giá vẫn còn căng thẳng, hay chỉ số USD trong tháng 5 vừa qua tăng 1,15% và bình quân trong 5 tháng đầu năm tăng 5,24% so với cuối năm 2023. Đây cũng là yếu tố gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp phải phụ thuộc vào đầu vào xuất nhập khẩu để sản xuất.
Khu vực doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn trong khi sức chống chịu còn hạn chế và quy mô dần nhỏ đi so với giai đoạn đại dịch COVID -19 xảy ra. Đây là những yếu tố rủi ro cần phải lường trước, bởi sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng từ 6-6.5% trong năm nay.
- Theo phân tích của ông, kinh tế bước đầu có khởi sắc, những nguyên nhân cơ bản là gì?
Trước hết, có thể thấy, nền kinh tế thế giới đã có mức phục hồi đạt mức như dự báo, thậm chí là vượt kỳ vọng. Đặc biệt là những khách hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức dự báo từ tháng 10 - 11 năm ngoái, từ đó hỗ trợ cho việc phục hồi xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam.
Thứ hai, các chính sách và biện pháp hỗ trợ kinh tế trong các gói phục hồi kinh tế năm 2022 và 2023 cũng phần nào phát huy tác dụng. Mặc dù có độ trễ trong năm 2023, nhưng năm nay đã sự tác động nhất định đến nền kinh tế.
Sự phục hồi của khu vực sản xuất, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cùng với sự đóng góp mạnh mẽ của các dòng kiều hối là các yếu tố giúp đà phục hồi tương đối khởi sắc và tốt hơn so với cùng giai đoạn năm 2023.
- Ông đánh giá như thế nào về sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ từ đầu năm đến nay để thúc đẩy tăng trường kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Khi nhận thấy những điểm giới hạn của tăng trưởng ngay từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ở cả phía cung lẫn phía cầu, Chính phủ đã quyết liệt trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Điều này phần nào giúp gia tăng tổng cầu và tác động lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực liên quan. Có thể coi đây là một trong những điểm sáng về chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Thứ hai là tác động của các chính sách và vai trò của Chính phủ trong thực hiện các biện pháp tài khóa nghịch chu kỳ. Theo đó, Chính phủ đã kiên trì hỗ trợ kích hoạt tiêu dùng thông qua miễn giảm các loại thuế phí hay tạm hoãn tăng các loại thuế phí theo lộ trình. Đặc biệt là những chính sách kích thích có trọng tâm như tín dụng cho tăng trưởng xuất khẩu, sự thành công của gói tín dụng này cũng là một trong những giải pháp giúp tăng xuất khẩu hàng hóa và thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam thời gian qua.
Cuối cùng, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng các mục tiêu ưu tiên và điều phối nhịp nhàng các hoạt động chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ vốn
- Hiện nay có một thực trạng là lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ được vốn, theo ông vì sao?
Có thể thấy, năng lực sản xuất kinh doanh suy giảm, không những thể hiện ở số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mà quy mô doanh nghiệp càng ngày càng nhỏ. Thực tế, trong vài năm gần đây, các động lực tăng trưởng dựa trên đầu tư đã đến điểm tới hạn, tức là vốn thêm vào nền kinh tế không còn tạo ra động lực tăng trưởng nữa và không tạo ra sự gia tăng năng suất cũng như hiệu quả của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, nền kinh tế khó khăn từ thời điểm đại dịch Covid xảy ra đã khiến nợ xấu tăng, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến cái khả năng tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp.
Mặc dù Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, song nếu cơ chế tín dụng chủ yếu vẫn dựa trên thế chấp tài sản, mà khi tài sản của doanh nghiệp không còn đảm bảo cho các khoản nợ vay, thì rất khó cho việc tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh vẫn phải đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Cuối cùng, tất cả những chỉ số tín dụng hay mức tăng về tiếp cận vốn của ngân hàng còn phụ thuộc vào cầu của thế giới và nội địa. Hiện, chúng ta vẫn ở mức trung bình và doanh nghiệp chưa dám đẩy mạnh các đòn bẩy tài chính, chưa thấy rõ kỳ vọng về tăng lợi nhuận cũng như thu nhập. Do đó, doanh nghiệp vẫn phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm “thắt lưng buộc bụng” và giữ thận trọng với việc đầu tư. Tất cả những yếu tố đấy đều cho thấy việc tiếp cận vốn tín dụng trong nửa đầu năm vẫn chưa đạt được như mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra.
- Theo ông cần tháo gỡ những vấn đề gì để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn?
Trước hết, động thái Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02 đến cuối năm 2024 là một giải pháp tôi cho rằng phù hợp để hỗ trợ tăng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp khó khăn. Nhưng nếu như nợ xấu đã gia tăng và chất lượng tài sản không còn cao như thời kỳ trước Covid-19 thì dù có những biện pháp giãn hoãn hay khoanh nợ đi nữa, cũng rất khó cho việc tiếp cận tín dụng.
Trong bối cảnh như vậy, dư địa để thúc đẩy tín dụng không còn nhiều, do đó cần phải đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc để tăng hiệu quả và sự tin cậy của các loại thị trường tài chính và thị trường vốn khác nhằm đa dạng hóa các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc lành mạnh hóa các kênh thị trường cổ phiếu, trái phiếu hay thị trường tài chính trong bối cảnh doanh nghiệp cần phải có những kênh vốn khác.
Bên cạnh những giải pháp về mặt pháp lý giúp khơi thông các loại tài sản phục vụ cho việc đảm bảo các khoản vay tín dụng, việc tháo gỡ những cơ chế cho vay dựa trên các dự án cụ thể cũng là vấn đề quan trọng cần lưu tâm. Ví dụ thực tế, khi nói đến khía cạnh tăng trưởng xanh hay phát triển kinh tế tuần hoàn, tôi đã gặp và tiếp xúc rất nhiều các doanh nghiệp, thậm chí là các hợp tác xã, họ nói rằng cho vay để mua ô tô thì rất dễ đối với ngân hàng nhưng cho vay để một dự án đầu tư có tài sản để thực hiện chuyển dịch mô hình kinh doanh hay mô hình tăng trưởng thì vô cùng khó khăn.
Về lâu dài, việc đảm bảo sự phát triển lành mạnh và hiệu quả của tất cả các loại thị trường, trong đó có thị trường sản xuất, thị trường bất động sản, phải thực sự hiệu quả; phải đảm bảo dòng chảy liên tục của các yếu tố cung cầu trên thị trường, từ đó mới có thể thúc đẩy cái tín dụng lành mạnh và an toàn. Nói cách khác, tín dụng như dòng máu, mạch máu trong nền kinh tế, muốn nó chảy tốt thì các bộ phận cơ thể cũng phải hoạt động một cách tương đối lành mạnh và khỏe mạnh.
- Trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục tận dụng dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, quan điểm của ông như thế nào?
Rất mừng khi những mục tiêu về thu ngân sách đã đạt được hiệu quả nhất định và góp phần tạo ra dư địa về tài khóa để hỗ trợ cho các mục tiêu tăng trưởng. Ngay từ chỉ đạo điều hành và Nghị quyết 01 năm 2024 cũng đã thấy được, Chính phủ nghiêng mục tiêu ưu tiên cho phục hồi tăng trưởng và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng như kích cầu tiêu dùng trong nước thay vì chỉ tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô. Những giải pháp hỗ trợ như miễn giảm, giãn hoãn thuế phí đối doanh nghiệp chắc chắn đã có những tác động tích cực bên cạnh việc miễn thuế chung như thuế VAT giảm 2%.
Tuy nhiên, tôi cho rằng các giải pháp này đã đến tới hạn, cần có những giải pháp mà mang tính đột phá hơn. Cụ thể, có thể có những hỗ trợ kích cầu, tiêu dùng hàng hóa dịch vụ theo hướng trợ cấp trực tiếp vào những hàng hóa dịch vụ tiêu dùng. Điều này kích thích cầu tiêu dùng trong nước theo định hướng giá trị gia tăng tốt hơn, nhưng quan trọng hơn là kích hoạt được các khu vực sản xuất kinh doanh, tạo ra doanh thu và lợi nhuận tích cực cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nội địa.
Cùng với đó, nên đẩy mạnh những chính sách an sinh xã hội nhằm tăng phúc lợi xã hội, giảm các chi phí của hộ gia đình và người dân đối với các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế. Qua đó, các hộ gia đình sẽ an tâm hơn và có thể tích cực hơn trong việc mở hầu bao chi tiêu thay vì phòng thủ và tiết kiệm gửi tiền vào ngân hàng. Hiện nay, đây là những giải pháp có thể hỗ trợ cho hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh.
- Trong các nhiệm vụ cần phải làm để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế mà Chính phủ báo cáo Quốc hội, có yêu cầu trọng tâm là làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo ông, giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng của các động lực truyền thống trong thời gian tới?
Những động lực tăng trưởng truyền thống đã tới hạn. Nhiều năm qua, các động lực tăng trưởng đến từ năng suất lao động hay tăng trưởng các nhân tố tổng hợp thường thấp hơn so với các mục tiêu Quốc hội đề ra. Đặc biệt, trong năm ngoái, giữa thực tế đạt được với mục tiêu đã có độ “doãng” nhất định. Trước đây, trong giai đoạn trước Covid, tăng năng suất lao động của Việt Nam thường đạt khoảng 6%, nhưng đến giai đoạn sau Covid, chỉ đạt được loanh quanh 4%.
Với chủ trương làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và đột phá để có những động lực tăng trưởng mới, công việc cần là triển khai, thực thi hiệu quả các chiến lược và chính sách. Cải cách thể chế nói đến 4.0 hay nền kinh tế số thì phải có những mô hình đổi mới sáng tạo trong các nền kinh tế số đó. Ví dụ, với mô hình Sandbox, theo Asean tổng kết, với gần 30 các mô hình thí điểm, Việt Nam mới chỉ có một nửa, đó là mô hình taxi công nghệ. Rõ ràng, mô hình taxi công nghệ đã có một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu Covid 19. Đặc biệt là kể cả trong giai đoạn Covid 19, nền kinh tế số của Việt Nam đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định các dòng chảy thương mại và dịch vụ.
Với động lực mới từ việc dịch chuyển công nghệ cũng như khả năng tham gia vào ngành chip hay bán dẫn, tôi cho rằng, cần phải làm rõ năng lực sản xuất cụ thể của Việt Nam theo từng thành phần kinh tế cũng như khả năng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất về bán dẫn hay là chip đến đâu, từ đó vạch ra lộ trình cụ thể cho việc Việt Nam dịch chuyển trên chuỗi giá trị đó.
Chúng tôi cũng đã có một nghiên cứu gần đây về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp nội địa vẫn chỉ loanh quanh với những sản phẩm công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng thấp. Kể cả phần mềm, tuy nói là có một lợi thế nhất định nào đấy nhưng chúng ta chỉ tham gia vào gia công phần mềm là chính, còn “thượng nguồn” trong sản xuất phần mềm chưa thực sự nắm bắt được.
Tất cả những yếu tố thực tế này, tôi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần phải có cái nhìn thực tế, có phân tích cụ thể cũng như làm việc với các bên liên quan để làm sao đảm bảo các chiến lược được khả thi và thực sự đến được với các thành phần, đối tượng cụ thể.
GDP Việt Nam 2024 sẽ đạt khoảng 5,8% - 6%
- Những biến động nào từ bên ngoài mà chúng ta cần lưu tâm và phòng ngừa để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay?
Thực tế, việc cạnh tranh chiến lược của các quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể là chiến tranh thương mại hay xu hướng hiện nay là chiến tranh công nghệ, sẽ là những yếu tố mà tác động lớn đến xu thế tăng trưởng cũng như khả năng chuyển dịch mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các căng thẳng địa chính trị và xung đột chính trị gây đứt gãy các chuỗi cung ứng và gia tăng đột biến giá cả đầu vào cho nền kinh tế Việt Nam cũng là yếu tố cần phải phân tích rõ rủi ro.
Không chỉ vậy, các xu hướng tiêu dùng mới đi kèm với những rào cản về thương mại và đầu tư cũng là những yếu tố cần phải phải lưu ý trong việc duy trì tăng trưởng và chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo xu hướng mới.
- Theo ông, chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm như đã đề ra hay không?
Trong báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế Chính sách, chúng tôi đã đưa ra những dự báo khá thận trọng. Khi nhìn vào các động lực tăng trưởng cũng như khả năng thực tế 5 tháng đầu năm, chúng tôi dự báo, tăng trưởng của Việt Nam năm nay vào khoảng 5,8% - 6% trong điều kiện bình thường. Trong điều kiện tốt hơn có thể vượt trên 6% một chút. Còn nếu trong điều kiện không thuận lợi, thậm chí có thể ở mức cận dưới mà Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra là 5,5%.
Và để đạt được những mục tiêu, động lực tăng trưởng trong bối cảnh nhiều rủi ro bất định như vậy, tôi cho rằng, cần phải có 3 giải pháp. Một là mạnh dạn áp dụng các cơ chế thí điểm mới mà Việt Nam chưa có tiền lệ. Hai là hỗ trợ đầu ra thúc đẩy cầu tiêu dùng và hàng hóa dịch vụ gắn với xu thế sản xuất số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Ba là xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm sao để gắn kết với khu vực công, khu vực dịch vụ khoa học công nghệ hoặc đào tạo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đây là những giải pháp mà theo tôi là căn cơ trong cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Huyền Trang