VCCI đề xuất bỏ yêu cầu giấy phép với kinh doanh rượu
VCCI kiến nghị bỏ quy định giấy phép với hoạt động phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, cho rằng thủ tục này không cần thiết và không mang tính đặc thù.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã gửi văn bản góp ý cho dự thảo phương án cải cách thủ tục hành chính năm 2025 của Bộ Công Thương, trong đó đề xuất đáng chú ý là bỏ quy định về giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 105/2017 và Nghị định 17/2020, các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu bắt buộc phải xin giấy phép ở từng khâu: phân phối, bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, những điều kiện áp dụng cho các hoạt động này không mang tính đặc thù của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và không làm rõ mục tiêu kiểm soát nào theo quy định tại Luật Đầu tư 2020.
Một trong những điều kiện bị đánh giá là không hợp lý là yêu cầu doanh nghiệp phân phối rượu phải có hệ thống phân phối ở ít nhất hai tỉnh, trong đó mỗi tỉnh phải có một thương nhân bán buôn hoặc có chi nhánh/địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính. Theo VCCI, quy định này chỉ đơn thuần xác định hình thức kinh doanh là “phân phối”, chứ không phục vụ mục tiêu quản lý nào thực sự cần thiết.
Thêm vào đó, doanh nghiệp còn phải nộp văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp rượu khi xin cấp phép – một yêu cầu được cho là không phù hợp với thực tế thị trường, khi nhà cung cấp có thể thay đổi liên tục. Việc cập nhật mỗi lần thay đổi lại kéo theo thủ tục điều chỉnh giấy phép, gây phát sinh khối lượng hành chính không nhỏ. Do đó, VCCI cho rằng việc bỏ điều kiện này là cần thiết.
Với hoạt động bán buôn rượu, yêu cầu hiện hành là doanh nghiệp phải có hệ thống bán buôn trong tỉnh nơi đặt trụ sở chính, đồng thời phải có ít nhất một thương nhân bán lẻ rượu, cùng với văn bản giới thiệu từ bên cung cấp. Theo VCCI, những yêu cầu này không khác biệt nhiều so với phân phối và cũng không có tính đặc thù về quản lý.
Tương tự, với bán lẻ rượu, thương nhân phải có địa điểm kinh doanh cố định và địa chỉ rõ ràng. Tuy nhiên, VCCI cho rằng đây là tiêu chí phổ biến cho bất kỳ loại hình kinh doanh nào, không đủ để coi là điều kiện riêng biệt cho một ngành nghề đặc thù.
VCCI nhấn mạnh rằng, rượu là một loại thực phẩm có cồn và đã được quản lý bằng các quy định riêng về an toàn thực phẩm, ghi nhãn, công bố sản phẩm... Do đó, việc yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng thêm các điều kiện kinh doanh như hiện nay không giúp kiểm soát hiệu quả hơn, mà ngược lại còn tạo gánh nặng thủ tục.
Trên cơ sở đó, VCCI kiến nghị loại bỏ yêu cầu xin giấy phép kinh doanh đối với các hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu – nhằm phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cản cho doanh nghiệp và thúc đẩy môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.
BN